Anh chị em thân mến,
Sau khi đã suy tư về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một số nhân vật trong Phúc Âm, bắt đầu từ bài giáo lý này, tôi muốn tập trung suy tư một số dụ ngôn. Như chúng ta đã biết, các dụ ngôn là những câu chuyện lấy hình ảnh và tình huống từ thực tế hàng ngày. Đây là lý do tại sao chúng cũng có liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Chúng đánh động chúng ta. Và chúng yêu cầu chúng ta đưa ra quan điểm: tôi đang ở đâu trong câu chuyện này?
Cốt lõi của Phúc Âm: lòng thương xót của Thiên Chúa
Chúng ta hãy bắt đầu với dụ ngôn nổi tiếng nhất, dụ ngôn mà có lẽ tất cả chúng ta đều nhớ từ khi còn thơ bé: dụ ngôn về người cha và hai người con (Lc 15:1-3.11-32). Trong đó chúng ta tìm thấy cốt lõi của Phúc Âm Chúa Giêsu, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh sử Luca kể rằng Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn này cho những người Pharisêu và các kinh sư, những người phàn nàn vì Người ăn uống với những người tội lỗi. Vì lý do này, có thể nói rằng đây là một dụ ngôn dành cho những người lạc lối nhưng không biết mình lạc và lại phán xét người khác.
Sứ điệp hy vọng: Thiên Chúa luôn tìm kiếm chúng ta dù chúng ta lạc lối ở đâu
Phúc Âm muốn mang đến cho chúng ta sứ điệp hy vọng, bởi vì nó cho chúng ta biết rằng bất kể chúng ta bị lạc lối nơi nào, bất kể chúng ta bị lạc lối như thế nào, thì Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm chúng ta! Có lẽ chúng ta đã bị lạc lối như một con chiên, rời khỏi đường đi để gặm cỏ, hoặc bị tụt lại phía sau vì mệt mỏi (xem Lc 15,4-7). Hoặc có thể chúng ta bị lạc mất như một đồng xu, có thể rơi xuống đất và không thể tìm thấy nữa, hoặc ai đó đã để nó ở đâu đó mà không nhớ ra. Hoặc chúng ta đã lạc lối như hai người con của người cha này: người con thứ bởi vì cảm thấy mệt mỏi khi phải ở trong một mối quan hệ mà anh ta cảm thấy quá đòi hỏi; nhưng ngay cả người con cả cũng lạc lối, bởi vì ở lại trong nhà thôi thì chưa đủ nếu trong lòng còn kiêu hãnh và oán giận.
Lạc lối khi hiểu sai về tình yêu
Người con thứ lạc lối ì ích kỷ
Tình yêu luôn là một sự dấn thân, luôn có điều gì đó chúng ta phải mất đi để gặp được người kia. Nhưng người con thứ trong dụ ngôn chỉ nghĩ đến bản thân mình, điều thường xảy ra trong một số giai đoạn của thời thơ ấu và tuổi thiếu niên. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rất nhiều người lớn xung quanh mình có thái độ như vậy, những người không thể tiếp tục mối quan hệ vì họ ích kỷ. Họ tự lừa dối mình rằng họ đang tìm thấy chính mình, nhưng ngược lại họ lại đánh mất chính mình, bởi vì chỉ khi chúng ta sống vì ai đó thì chúng ta mới thực sự sống.
Phung phí tình yêu
Cậu con thứ này, giống như tất cả chúng ta, đều khao khát tình cảm, muốn được yêu thương. Nhưng tình yêu là món quà quý giá, cần phải được chăm sóc cẩn thận. Nhưng anh ta lại phung phí nó, hạ thấp giá trị của mình và không tôn trọng chính mình. Anh ta nhận ra điều đó vào những khi đói kém, khi không ai quan tâm đến anh. Nguy cơ là vào những khoảnh khắc đó chúng ta bắt đầu cầu xin tình cảm và gắn bó với người chủ đầu tiên mà chúng ta gặp.
Sống tình yêu trong tương quan chủ tớ
Chính những trải nghiệm này làm nảy sinh trong lòng chúng ta niềm tin sai lệch rằng chúng ta chỉ có thể ở trong một mối quan hệ như những người tôi tớ, như thể chúng ta phải chuộc tội hoặc như thể tình yêu đích thực không thể tồn tại. Trên thực tế, khi người con thứ chạm đến đáy vực, anh ta nghĩ đến việc quay về nhà cha mình để lượm nhặt một ít tình cảm vụn vặt từ mặt đất.
Ý nghĩa của vòng tay ôm của người cha
Chỉ có những người thực sự yêu thương chúng ta mới có thể giải thoát chúng ta khỏi quan điểm sai lầm này về tình yêu. Trong tương quan với Chúa, chúng ta sống chính kinh nghiệm này. Họa sĩ vĩ đại Rembrandt, trong một bức tranh nổi tiếng, đã miêu tả một cách tuyệt vời cảnh đứa con hoang đàng trở về. Có hai chi tiết đặc biệt đánh động tôi: đầu của chàng trai trẻ được cạo trọc, giống như đầu của một người sám hối, nhưng cũng giống như đầu của một đứa trẻ, bởi vì người con này đang được tái sinh. Và rồi đến đôi bàn tay của người cha: một bàn tay của người nam và một bàn tay của người nữ, để mô tả sức mạnh và sự dịu dàng trong cái ôm tha thứ.
Người con cả lạc lối khi chỉ sống tình yêu như bổn phận
Nhưng chính người con cả là người đại diện cho những người được kể trong dụ ngôn này: anh ta là người con luôn ở nhà với cha mình, nhưng lại xa cách cha mình, xa cách trong tâm hồn. Người con này có thể cũng muốn rời đi, nhưng vì sợ hãi hoặc vì bổn phận nên anh vẫn ở lại đó, trong mối quan hệ đó. Nhưng khi bạn miễn cưỡng thích nghi, bạn bắt đầu nuôi dưỡng sự tức giận trong lòng, và sớm hay muộn thì cơn tức giận này cũng bùng nổ. Nghịch lý thay, cuối cùng, người con cả lại là người có nguy cơ ở bên ngoài vì không chia sẻ niềm vui của cha mình.
Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta
Người cha cũng ra gặp anh ta. Ông không la mắng hay gọi anh đi làm nhiệm vụ. Ông chỉ muốn anh cảm nhận được tình yêu của ông. Ông mời anh vào nhà và để cửa mở. Cánh cửa đó vẫn mở cho chúng ta. Trên thực tế, đây chính là lý do để hy vọng: chúng ta có thể hy vọng bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta, Người nhìn thấy chúng ta từ xa và luôn để cánh cửa mở rộng.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình đang ở đâu trong câu chuyện thật hay này. Và chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha ban ơn để có thể tìm được đường trở về nhà.
Nguồn: vaticannews.va/vi