Xin chào, em là một dự trưởng và hiện đang là sinh viên học trên Sài Gòn.
Em có thắc mắc này mong các anh chị trưởng giải đáp giúp cho.
Em có nhiều dịp đi tham dự thánh lễ thiếu nhi ở nhiều nhà thờ trên Sài Gòn, em thấy một vài giáo xứ có số lượng thiếu nhi không đông nhưng đã thành lập xứ đoàn. Còn ở giáo phận mình, em thấy có nhiều giáo xứ với số lượng thiếu nhi khá đông, thậm chí đến con số vài trăm nhưng lại chưa lập xứ đoàn.
Vậy việc lập xứ đoàn ở giáo phận mình cần có những điều kiện nào ạ?
PHẦN GIẢI ĐÁP
Xin chào bạn dự trưởng!
Cảm ơn về câu hỏi của bạn, ad nghĩ rằng có nhiều bạn khác cũng thắc mắc như bạn nhưng chưa biết hỏi ai và hỏi như thế nào.
Sau khi chuyển câu hỏi của bạn lên Ban Nghiên huấn của TNTT Giáo phận Phú Cường, nhận được câu trả lời và giải thích của anh trưởng Emmanuel Nguyên, ad xin tóm lược những ý chính dựa theo câu hỏi của bạn, bởi vì trình bày theo đúng những gì mà Ban Nghiên huấn cung cấp thì rất dài và có nhiều khía cạnh liên quan đến câu hỏi khác.
Thứ nhất, về quy định số lượng thiếu nhi và trưởng:
TNTT Giáo phận Phú Cường không đặt ra giới hạn tối thiểu về số lượng thiếu nhi và trưởng (huynh trưởng, dự trưởng).
Việc thành lập xứ đoàn hay không là do cha chánh xứ quyết định, ngài sẽ dựa vào tình hình thực tế của giáo xứ, tinh thần của các em thiếu nhi và lòng hăng say, ngọn lửa phục vụ của các trưởng.
Ví dụ:
– Giáo xứ có 100 em thiếu nhi và 2 huynh trưởng, 3 dự trưởng nhưng cha chánh xứ thấy cần thiết, thiếu nhi thì cực kỳ yêu mến Anh Cả Giê-su, các trưởng thì hăng hái trong tinh thần phục vụ thì ngài cho thành lập xứ đoàn.
– Nhưng cũng có giáo xứ với vài trăm thiếu nhi cùng “kha kha” trưởng, cha chánh xứ thấy chưa “đủ chính muồi” để lập xứ đoàn thì ngài sẽ tạm thời chờ thêm thời gian.
Bên cạnh đó, việc đặt ra giới hạn về số lượng sẽ vô tình gây khó khăn cho những giáo xứ có số giáo dân ít, khó khăn về điều kiện kinh tế; như vậy chẳng khác nào chúng ta thực hiện không đúng tinh thần, đường lối của TNTT.
Thứ hai, những “nguyên tắc hướng dẫn” nên có khi thành lập xứ đoàn:
Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu gói gọn như phần thứ nhất, thì quá đơn giản và không chừng sẽ khó đạt được mục đích sau cùng, tối thượng của phong trào TNTT.
Bởi vậy, chúng ta cần nắm bắt một số “nguyên tắc hướng dẫn” mà ad nghĩ rằng cần thiết phải có khi thành lập một xứ đoàn.
– Người trưởng:
Cần được “tôi luyện” qua các khoá huấn luyện về TNTT, về quản trị, về đạo đức, kỷ năng – chuyên môn. Hay nói cách khác, là “sống sót” qua được các trại sa mạc cấp giáo phận.
Số lượng thì cũng nên khá khá, chứ không lẽ chỉ có 2-3 người. Bởi vì phải có xứ đoàn trưởng, xứ đoàn phó và trưởng các ngành. Nếu ít quá thì các trưởng này phải “đảm nhiệm” hết các chức vụ, nếu vậy thì chẳng khác gì như khi chưa lập xứ đoàn.
– Lực lượng kế thừa:
Kế thừa ở đây là sự định hướng, kế hoạch đào tạo nhân lực kế thừa để tiếp tục xây dựng, phát triển xứ đoàn ngày càng lớn mạnh.
Nhân lực gồm những ai:
+ Dự trưởng: Chọn lựa những người phù hợp để gửi đi huấn luyện sa mạc, qua đó sẽ tìm được những huynh trưởng tương lai cho xứ đoàn.
+ Đội kiểu mẫu: Chọn lựa những em thiếu nhi có phẩm chất vượt trội hơn so với các em thiếu nhi khác, qua đó xây dựng và huấn luyện các em thành những đội phó, đội trưởng làm nòng cốt cho sinh hoạt TNTT của xứ đoàn. Từ đội kiểu mẫu này, tương lai sẽ là những dự trưởng, huynh trưởng của xứ đoàn.
– Duy trì và phát triển:
Thành lập xứ đoàn thì không quá khó, nhưng để duy trì và làm cho xứ đoàn ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng là điều không phải dễ.
Không lẽ lập xong xứ đoàn thì giao hết cho cha linh giám, phó mặc mọi sự cho ngài? Thế thì không hay chút nào.
Bởi vậy, huynh trưởng đoàn phải là đầu tàu mạnh về chất và lượng, để dưới sự điều hành của cha linh giám, đầu tàu sẽ đưa cả đoàn tàu đi vững vàng và xa hơn.
Để làm được điều này, đỏi hỏi huynh trưởng đoàn phải biết cách làm việc chung, biết phát huy phẩm chất, năng lực của từng thành viên; tất cả cùng phối hợp với cha linh giám để thực hiện các kế hoạch đã vạch ra.
Trên đây là những ý chính mà ad nghĩ sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm cuốn “Sổ tay TNTT”, “Thủ bản TNTT” của TNTT Giáo phận Phú Cường để hiểu rõ hơn.
Nếu bạn, các bạn thiếu nhi và các trưởng có khía cạnh cần trao đổi thêm thì hãy mạnh dạn comment bên dưới hoặc gửi email về địa chỉ: bantruyenthongtnttgpphucuong@gmail.com
Viele Leute – Ban truyền thông TNTT Giáo phận Phú Cường