Lịch sử Liên đoàn Phê-rô Đoàn Công Qúi – TNTT Gp. Phú Cường
Phong trào TNTT được chính thức thành lập năm 1917 tại Pháp do cha Bessières S.J. Phong trào đã manh nha từ tinh thần bảo vệ Giáo hội từ thời Trung Cổ và gần hơn là việc ĐGH. Piô X cổ vũ trẻ em rước lễ lần đầu sớm do sắc lệnh Quam Singulari năm 1910.
- 1929 hai cha Xuân Bích Léon Palliard và Paul Urureu bắt đầu phát động phong trào ngay trong chủng viện và bắt đầu thành lập đoàn đầu tiên tại trường thầy Dòng École Puginier ở Hà Nội. Từ đó, nhờ sự khích lệ của Hàng giáo phẩm giáo sĩ nên phong trào lan rộng nhanh chóng khắp lãnh thổ Việt Nam. Đầu tiên là Hà Nội, Huế năm 1931, rồi đến các giáo phận khác.
- Sài gòn thành lập TNTT năm 1935, và đến năm 1951 cha Nguyễn Hữu Tấn (Sài Gòn) đã hoạt động mở rộng phong trào tại các giáo phận miền Đông Nam Việt như Sài Gòn, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Phú Cường.
- Năm 1956, sau cuộc di cư, các đoàn Nghĩa Binh miền Bắc tổ chức lại hàng ngũ khi vào Nam.
- Hội Đồng GM đã cử cha Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên Uý toàn quốc đầu tiên của phong trào năm 1957 cùng lúc với việc tổ chức lại Công Giáo Tiến Hành do Đức Cha Phạm Ngọc Chi điều khiển đã làm cho phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể khắp nơi phát triển mạnh trong thời kỳ này.
- Năm 1964 Cha Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám Mục Long Xuyên, cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh thay thế. Đại hội Tuyên Uý Toàn Quốc lần đầu tiên được tổ chức trong năm nay tại Sài Gòn. Năm tiếp theo 1965 Đại Hội Tuyên Uý Toàn Quốc lại được tổ chức cũng tại Sài Gòn để trình HĐGM về bản nội quy thống nhất đầu tiên cho phong trào. HĐGM quyết định bỏ danh hiệu Nghĩa Binh Thánh Thể và dùng danh hiệu THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM.
- Năm 1966 phong trào được chính quyền đương nhiệm cấp giấy phép để chính thức hoạt động, cuối tháng 6 đại hội toàn quốc đầu tiên cho Huynh Trưởng được tổ chức tại Sài Gòn có khảng 350 huynh trưởng tham dự.
- Năm 1968, ảnh hưởng trận chiến vào tết Mậu Thân, tất cả hoạt động đều bị ngưng trệ.
- Năm 1970, Họp ban trung ương phong trào ngày mùng 5 tết tại Vĩnh Long để quyết định :
- Duyệt lại toàn bộ những vấn đề của phong trào bằng cách nghiên cứu lại nội quy cũ và soạn thảo một bản nội quy mới. Sau nhiều nghiên cứu của ban lãnh đạo toàn quốc và ban nghiên huấn cũng như lấy ý kiến của các xứ đoàn, bản nội quy mới được trình lên HĐGM và năm 1971 được chấp thuận cho thi hành.
- Năm 1974 Cha Giuse Vũ Đức Thông lên làm Tuyên Uý thay cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh.
- Năm 1975 Phong trào có khoảng 140.000 đoàn viên và 3.800 huynh trưởng hoạt động trong 650 xứ đoàn, thuộc 68 liên đoàn trong 13 giáo phận (trừ giáo phận Đà Nẵng). Hai giáo phận đông nhất là Xuân Lộc với 40.000 đoàn viên và Sài Gòn với 38.000 đoàn viên.
- Sau biến cố 30.4.1975, phong trào trong nước đình chỉ mọi hoạt động bên ngoài. Các lớp giáo lý phụ trách thêm phần nào sinh hoạt thiếu nhi. Nhưng phong trào nhen nhúm và phát triển mạnh mẽ ở những cộng đoàn Công giáo ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Đức, Úc, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại …
- Tại Việt Nam sau 15 năm trong xã hội mới, các đoàn thể bắt đầu hồi sinh, tuy âm thầm nhưng không kém hiệu quả. Mỗi nơi có những thích ứng riêng cho hợp với hoàn cảnh địa phương. Chưa có một kết nối toàn diện.
- Tại giáo phận Sài Gòn, từ năm 1977, khi Đức Tổng Giám Mục chính thức thành lập ban Mục vụ Thiếu nhi thì phong trào TNTT Việt nam bắt đầu nhen nhúm trở lại. Nhưng phần chính yếu về giáo dục của nội quy vẫn gần như xưa.
Riêng tại Phú Cường, khoảng năm 1985, một số cha trong đó có cha Giuse Nguyễn Đình Hoè, cha Giuse Nguyễn Văn Thịnh, cha Simon Nguyễn Văn Thu và một số cộng tác viên khác đã cố gắng nghiên cứu lại phong trào sao cho thích hợp với hoàn cảnh địa phương và nhất là cập nhật hoá nội quy với thời đại mới.
Trả lời