Kỳ trước chúng ta đã nói đến chuyện ăn, bây giờ chúng ta chuyển sang chuyện uống.
Có nhiều người sẽ bảo rằng uống thì dễ thôi mà, chỉ việc đưa ly lên miệng + mở đôi môi xinh xinh + nuốt cái chất lỏng có trong ly, thế là xong, chuyện “nhỏ như con thỏ đang ăn cỏ… bla.. bla…bla…”.
Đúng là dễ thật, cứ theo công thức trên thì một đứa trẻ lên 3 cũng làm được.
Thế theo các bạn, trước khi uống nước thì chúng ta có trên tráng sơ qua cái ly hay không?
Nếu chúng ta đến nhà hàng hoặc làm khách nhà ai đó mà làm thế thì coi chừng sẽ được đón nhận nhiều “ánh mắt hình viên đạn”, bởi nhà hàng hoặc chủ nhà đã vệ sinh cái ly rồi, chúng ta chỉ việc sử dụng thôi.
Nhưng đến những hàng quán, nơi công cộng mà bằng ánh mắt quan sát, chúng ta nhận thấy ly uống nước không đảm bảo vệ sinh thì chúng ta không thể bỏ qua. Vậy tráng ly như thế nào mới lịch sự? Dễ thôi mà, hãy rót khoảng 1/3 ly nước rồi lắc nhẹ cho nước ướt hết phần trong của ly, sau đó bỏ phần nước đó. Nếu có nhiều người thì hãy tráng ly của người khác trước rồi mới đến mình. Còn trường hợp việc tráng ly này cũng không có tác dụng gì, thì chúng ta đành chọn giải pháp khác vậy, tuỳ tình thế cụ thể và do mỗi người tự quyết (có thể mua nước đóng chai, không uống nữa, đi nơi khác, …)
Tuy nhiên, có những thức uống mà bắt buộc phải tráng ly, ví dụ như nước trà, thì chúng ta hãy cứ tráng ly cho lần rót nước trà đầu tiên, còn những lần sau thì không cần.
Theo các bạn, ai là người nên rót nước cho người khác?
Cũng dễ nhớ chứ không khó lắm. Nếu đến nhà người khác thì hãy để chủ nhà rót nước (thể hiện sự mến khách, tôn trọng khách). Nếu trong nhiều người, ai là nhỏ tuổi hoặc vai vế nhỏ hơn thì người đó sẽ rót nước. Nếu là bạn bè thân thiết thì không cần phải câu nệ làm gì, ai rót cũng được. Còn nếu là bạn bè bình thường hoặc mới quen thì người nam nên chủ động rót nước (thể hiện sự ga-lăng ấy mà)
* Bật mí nho nhỏ: Những cậu nào có ý định “kưa kẩm” thì sẽ được “người ta” chấm cho điểm cao đấy.
Vậy, rót nước như thế nào là lịch sự?
Trừ trường hợp chúng ta đến những nơi có người phục vụ thì chả nói làm gì. Không khó, chỉ cần nhớ rót khoảng 2/3 ly là ô-sờ-kê. Hạn chế rót gần đầy ly hoặc tràn cả ra ngoài, bởi nó sẽ có ý nghĩa “dằn mặt” (uống cho sướng đê, …) sẽ gây khó khăn cho người khác, và thường là người ta sẽ không uống ly nước đó. Nên nhớ tuyệt đối không được rót khoảng 1/3 ly, bởi nó sẽ có nghĩa “nước thừa, nước tráng ly”, và dĩ nhiên chẳng ai muốn uống cả.
Khi rót nước thì nên rót cho người khác trước rồi mới đến mình.
Xin lưu ý, đối với thức uống đóng chai, đóng lon (nước suối, nước có gas, rượu vang, rượu khai vị, …) thì hãy rót cho mình trước rồi mới đến người khác. Bởi vì, thường những thức uống ấy hay có lớp tạp chất (không nhiều lắm) nằm ở phần nước phía bên trên, cho nên khi chúng ta rót cho mình trước sẽ có hàm ý “những gì không ngon hãy để cho tôi”.
Cuối cùng, uống như thế nào mới đúng cách, mới thể hiện quý-sờ-tộc?
Thì cầm ly lên làm một hơi cho thật sảng khoái.
Ấy chết, xin đừng làm thế. Đừng để người khác nhìn chúng ta với miệng chữ A mắt chữ O, xem chúng ta như người ngoài hành tinh.
Chỉ cần nhớ là uống từng hớp nhỏ, uống nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động, uống 1-2 hớp thì hãy để ly xuống. Cứ thế cho đến khi còn khoảng 1/3 ly thì hãy dừng lại để chờ được rót thêm nước. Không được uống hết nước có trong ly nhé.
Đối với nước trà mà được uống với ly có nắp đậy, khi uống hãy nhớ cầm luôn cả ly + nắp đậy, kéo nhẹ nắp vừa với miệng của mình, khi đặt ly xuống thì nên đậy nắp lại.
Đối với thức uống mà có nước đá ở trong ly, thì không nên ngậm viên nước đá hoặc nhai rau ráu, nếu có ống hút thì đừng có mà hút kêu “rột rột” nhé, không lịch sự tý nào, cứ như sắp chết khát đến nơi.
Đây là những góp ý nho nhỏ để giúp chúng ta cơ bản phần nào thể hiện nét lịch sự, văn hóa trong ẩm thực. Nếu mà nói hết e rằng vượt quá khả năng, bởi đó là cả một nghệ thuật.
Fx.Leo – Ban Truyền Thông TNTT Gp Phú Cường