Sau chuyến đi rao giảng đầu tiên trở về Đức Giêsu nói với các tông đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Sự khôn ngoan và lòng ân cần của Đức Kitô, Đấng biết rằng những người ấy cần lùi lại để suy nghĩ về các thành công, thất bại trong sứ mạng của mình hầu điều chỉnh lại “bên cạnh Ngài”, hầu cảm nếm một sự nghỉ ngơi chính đáng. Người được sai đi càng trầm mình vào thế gian, thì người ấy càng phải cắm rễ vào sự hiện diện của Thầy. Ở đây, thánh Marco vạch ra nhịp điệu trường kỳ của mọi cuộc sống thừa sai: đón nhận Lời Chúa trong thinh lặng, và công bố Lời ấy nơi công khai, chiêm niệm và hoạt động tông đồ.
Ta không quên rằng từ “nghỉ ngơi” trong Kinh Thánh có một âm vang đặc biệt. Đi vào trong sự “nghỉ ngơi của Thiên Chúa” có nghĩa là đi vào Đất Hứa, nơi mà Thiên Chúa sẽ cư ngụ với dân Người. Đối với thánh Marco, sự “nghỉ ngơi” này gợi lên tình thân mật mới “bên cạnh Đức Kitô”, vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Như thánh Gioan đã viết một cách tuyệt vời, mọi Kitô hữu đều là chứng nhân cho một Đấng hiện hữu mà mình đã chiêm ngắm, và lắng nghe trong thinh lặng nguyện cầu: “Điều chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngắm… thì chúng tôi loan báo cho an hem” (1Ga 1, 1tt).
Và khi đối diện với nghịch cảnh, người làm chứng bị cám dỗ lẩn trốn, thì cũng chính trong thinh lặng mà người ấy lại nghe được tiếng của Đấng đã sai mình, và tìm lại được sự dung cảm để tiếp tục theo đuổi sứ mạng của mình.
(Trích “Những nẻo đường của thinh lặng” của tác giả Michel Hubaut -Nguồn: http://menthanhgianhatrang.org/index.php?nv=tai-lieu&op=GIAO-LY/NHUNG-NEO-DUONG-THINH-LANG-3)