Hồi thập niên 60 thế kỷ trước, lúc tôi còn rất nhỏ, hay được xem những quyển lịch nhỏ trên bàn trong phòng khách nhà mình. Lịch được phát hành bởi Bộ Ngoại giao Nhật hoặc Bộ Ngoại giao Đại Hàn (Hàn Quốc), với nội dung giới thiệu Đại Hàn trên đà phát triển hoặc văn hóa, kỹ nghệ, kinh tế của một nước Nhật đã cường thịnh. Ấn tượng nhất của một quyển lịch tôi từng đọc là hình một phụ nữ Hàn trong bộ Hanbok đang chơi đùa bên đứa con nhỏ với hàng chữ: Gia đình đầm ấm/ Quốc gia phú cường. Còn quyển giới thiệu nước Nhật thì có hẳn hình ảnh Hoàng gia Nhật quây quần trong đại sảnh, đặt bên cạnh bức ảnh một gia đình thường dân Nhật đang dùng cơm quanh chiếc bàn tròn trong bếp ăn kiểu Nhật…
![]() |
Sau này lớn lên, tôi biết đó là những tài liệu của hai quốc gia trên giới thiệu về đất nước. Họ không quên đặt gia đình lên hàng đầu như câu người Việt thường nói “Gia đình là nền tảng của xã hội”. Thật vậy, gia đình đúng là một “viên gạch” xây dựng nên xã hội, hình thành nên đất nước.
Hàn Quốc một thời còn là quốc gia nghèo nàn lạc hậu, nhưng họ đã có kế hoạch phát triển kinh tế, đổi mới đất nước. Dù mở rộng cửa đón đầu tư từ Mỹ và phương Tây nhưng họ vẫn giữ phong cách và đặc tính châu Á của mình. Trong đó, cha mẹ, ông bà luôn là điểm tựa và kim chỉ nam của con cháu. Thế hệ trẻ Hàn Quốc luôn giữ phong tục tập quán và yêu món Kim Chi quốc hồn quốc túy của nước mình.
Nước Nhật được vực dậy từ đống tro tàn của thế chiến thứ 2 với hai trái bom nguyên tử tại Nagasaki và Hiroshima. Họ theo phong cách làm việc với phương Tây nên đã đón năm mới theo dương lịch thay vì âm lịch như Trung Quốc và một số nước châu Á. Tuy nhiên, họ vẫn giữ tinh thần võ sĩ đạo truyền thống Nhật Bản, vẫn yêu mến món Sushi của dân tộc. Cũng như Hàn Quốc, ông bà, cha mẹ, người già… trong xã hội Nhật luôn được tôn trọng ngay từ trong gia đình. Có lẽ nhờ vậy, nền tảng gia đình vững chắc, trật tự kính trên nhường dưới đã đưa hai nước đứng vào hàng bậc nhất châu Á và được cả thế giới nghiêng mình kính trọng. Họ tôn trọng văn hóa và bản sắc dân tộc từ đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Đó là gia đình. Hãy tưởng tượng gia đình nào cũng lục đục, con cái đánh nhau, cha mẹ ông bà già đi bị con cháu ruồng bỏ, từng thành viên trong gia đình sẵn sàng đưa nhau ra tòa chỉ vì giành nhau một căn nhà hay một mảnh đất… thì đất nước đó ra sao, xã hội đó thế nào? Phải chăng là một sự rối ren với nhiều tin tức tiêu cực mỗi ngày?
Nhật và Hàn luôn giữ truyền thống văn hóa phương Đông trong phát triển kinh tế và kỹ thuật, khoa học… Họ thừa hiểu một người ra siêu thị không thể xếp hàng thứ tự khi mà trong gia đình họ chửi cha mắng mẹ, giành giựt, cấu xé anh chị em vì một đặc quyền đặc lợi nào đó. Và nước Nhật, Hàn Quốc đã thành công!
Nếu xét gia đình trên cái nhìn cá nhân, chắc chắn ai cũng muốn được sinh ra trong một gia đình bình yên. Đi ra ngoài gặp chuyện gì không vui, bị người đời đối xử bất công, lạnh lùng…, hẳn ta muốn trở về nhà, để cảm nhận sự an yên, ấm áp bên gia đình mình. Đi học hay làm ăn xa nhà, sống ở phòng trọ, nhiều người vẫn luôn nhớ và vui với những cuộc gọi từ cha hay mẹ ở quê.
Lúc chúng ta chẳng may mất việc, hoặc làm ăn thất bại phải ra đi với hai bàn tay trắng, thật diễm phúc nếu ai còn một mái nhà để quay về. Trong mái ấm đó còn người cha, người mẹ… sẵn sàng cưu mang, bảo bọc con cái qua lúc khó khăn hoạn nạn. Vì gia đình là nơi cuối cùng cho ta tìm được sự bình an nên từng thành viên cần góp tay xây dựng nên một gia đình chung và gia đình của riêng mình, ít ra để ta có chốn “bình yên chim hót” những lúc mệt mỏi, chán chường. Trước khi nghĩ chuyện “vĩ mô”, làm nên những điều to tát cho đất nước và thế giới, mỗi người hãy làm điều nhỏ nhất cho gia đình để góp phần xây dựng một mái nhà hạnh phúc, như vậy chúng ta đã góp một viên đá tạo nên một đất nước hùng mạnh, phồn vinh…
SƠN HẠ
Nguồn: http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/hai-tu-gia-dinh-than-thuong_a15007