LỜI CHÚA: Lc 9, 46-50
Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả lời: “Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy này là đủ rồi”.
Tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của con người. Người ta nhắc nhớ và đề cao tên tuổi của những bậc anh hùng, những người tài ba, những ân nhân của dân tộc hay nhân loại. Nhưng người ta phỉ nhổ và nguyền rủa tên tuổi của những con người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho đồng loại. Khi một người nào đó đã được nổi tiếng, thì tên tuổi người đó tạo được một sức mạnh lạ thường. Chúng ta thích xin chữ ký của những người nổi tiếng, chúng ta thích ăn mặc và sử dụng những sản phẩm có chữ ký hoặc tước hiệu của những người nổi tiếng. Một cách nào đó, chúng ta tôn thờ tên tuổi của những người nổi tiếng, chúng ta tự đặt mình dưới quyền lực của những người nổi tiếng.
Ðối với người Kitô hữu, như thánh Phêrô đã nói trước Công nghị Do thái: “Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban cho con người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa Giêsu Kitô”.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.
Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người. Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: “Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.
Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Chúng ta thường nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ, chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực ra, khi cuộc sống chúng ta chưa là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng ta; khi nhìn vào chúng ta, người ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, phải chăng đó không là một kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ và làm ô Danh Ngài?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Nguồn: gplongxuyen.org