Một hôm, viện trưởng tập họp các môn đồ trong đan viện của mình lại để kiểm tra xem mức độ tiếp nhận những gì được dạy bảo trong thời gian qua.
Viện trưởng nói với các môn đồ: “Ta đang gặp một vấn đề. Các anh em hãy thay ta giải quyết vấn đề này”.
Nói xong, viện trưởng đặt xuống bàn một cái chén sứ và một cái chén đất nung. Sau đó viện trưởng đi ra ngoài.
Các môn sinh bối rối rất nhiều. Họ quan sát thật kỷ từng cái chén.
Cái chén sứ phải nói là tuyệt đẹp. Nó trong suốt, được trang trí bằng những hoa văn cực kỳ tinh xảo với những màu sắc thật hài hoà. Có thể nói nó là một báu vật vô giá.
Cái chén đất nung thì thô kệch, hình dáng thấy phát chán và chỉ có một màu xám của đất nung chưa tới lửa, giá trị của nó chẳng là bao.
“Có phải thầy đưa ra một câu đánh đố gì đây phải không? Hai cái chén này có điều gì cần chúng ta khám phá? Có phải thầy đang gặp vấn đề không biết giá trị thật của chúng?” Các môn sinh đặt câu hỏi với nhau, hy vọng sẽ có ai đó đưa ra được hướng giải quyết.
Đã qua một thời gian khá lâu mà chẳng ai biết phải làm gì ngoài việc ngồi ngắm chúng.
Viện trưởng quay trở lại, thấy đám môn sinh cứ đực mặt ra nhìn hai cái chén mà chẳng có ai nói gì cả. Viện trưởng tiến tới cái bàn và thẳng tay gạt hai cái chén rơi xuống đất, cả hai vỡ nát trước sự ngạc nhiên cực độ của các môn sinh.
“Các trò sao vậy? Ta đã nói đó là vấn đề và cần các trò giúp ta giải quyết vấn đề, mà sao các trò cứ giữ vấn đề mãi thế. Đã là vấn đề thì chúng ta cần phải mạnh tay, dứt khoát giải quyết nó. Cho dù vấn đề đó có đẹp hay xấu, có vui hay buồn, có đang lợi ích hay sẽ mang lại thiệt hại. Khi vấn đề được giải quyết rồi, chúng ta sẽ biết được việc gì cần làm tiếp theo. Còn không thì chúng ta cứ mãi chìm đắm trong vấn đề và chết chung với nó”.
(sưu tầm)