Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống. Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.
– Xin lỗi anh bạn! Tôi sẽ sửa ngay cho anh.
Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước… Anh Sói bụng bảo dạ:
– Ô hô! Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!
Sói quát bảo Voi:
– Này, đứng lại! Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Đồ súc sinh! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!
Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè nhà Sói bẹp dí:
– Này, nhà mới này!
Bác Voi nói rồi đi thẳng.
Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi: “Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này… Thật không sao hiểu nổi!”.
Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già nói:
– Chú mày ngu lắm! Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!
Sự lầm tưởng đã khiến Sói phải nhận một cái kết ê chề. Chính vì lầm tưởng nên Sói dương dương “được đàng chân lấn đàng đầu”, “được voi đòi Hai Bà Trưng”.
Tự coi người khác là thấp bé, tầm thường để cho mình là tài năng, vĩ đại để chèn ép, chà đạp người khác là không thể chấp nhận được, một sự bất công không nên có.
Sói tưởng mình khôn để rồi không ngoan. Còn bác voi hiểu rõ mình để sống quảng đại hiền lành.
(sưu tầm)