NGẮM THỨ NHẤT
“Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa” (Lc 3, 21)
Khi trở thành anh em của mọi người và của từng người, Chúa Giê-su đứng hẳn về phía dân chúng, một dân tội lỗi. Hòa mình với toàn dân tội lỗi, Chúa muốn đón nhận tội lỗi của mọi người nơi bản thân, để tẩy xóa và cho hưởng ơn cứu độ là được sống muôn đời. Ngày nay, ngay tại những tổ chức khủng bố và những người bị hành hạ, giết chết, ngay nơi những con người tàn ác dã man nhất cũng như nơi những nạn nhân khốn khổ, Chúa Giê-su vẫn có mặt, vẫn đang chịu khổ hình và bị giết chết! Tình yêu cứu chuộc đến cùng của Chúa vẫn tràn lan nơi những con người xấu xa và độc ác nhất (x. Rm 5, 20).
Là Ki-tô hữu, tôi không thể đứng ngoài cuộc, nhưng phải ý thức liên đới với tất cả mọi người xấu xa, độc ác và tội lỗi. Khi đứng về phía những người tội lỗi cùng với Chúa Giê-su trong cầu nguyện kết hợp, là tôi mở ra những dòng chảy lòng thương xót không hề vơi cạn, cho thế giới tội lỗi này.
NGẮM THỨ HAI
“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến“. (Ga 2, 4)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy tầm nhìn của Người vượt xa tàm nhìn của Thân Mẫu. Mẹ Ma-ri-a thì nghĩ đến rượu trong tiệc cưới, còn Chúa thì nghĩ đến rượu của Giao Ước mới trong giờ của Người, giờ hiến thân chết trên thập giá mà về với Chúa Cha. Chúa vẫn biến nước thành rượu theo lời cầu của Mẹ. Nhưng đối với Chúa, rượu tại Ca-na chỉ là dấu chỉ, còn thực tại là “rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mt 26, 29). Chúa muốn Mẹ của Người và các môn đệ chúng ta, không ngừng lại ở dấu chỉ, mà phải từ các dấu chỉ, vươn tới thực tại Nước Trời.
Mọi sự ở đời này: Con người, thiên nhiên, những cái tốt đẹp nhất, những điều quý giá nhất, đều là dấu chỉ về Thiên Chúa. Ngay cả những ân huệ hồn xác, những cử hành Phụng Vụ và các Bí Tích, đều là dấu chỉ của Chúa. Không bao giờ được ngừng lại và bám chặt vào các dấu chỉ, nhưng phải từ những dấu chỉ mau qua đó, không ngừng vươn tới thực tại vĩnh cữu là Thiên Chúa.
NGẮM THỨ BA
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).
Thời kỳ đã mãn là thời kỳ đã chín mùi, thời sau hết đã đến và không còn thời nào nữa. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, có nghĩa Thiên Chúa đã mở ra Con Đường. Đấng Ki-tô của Thiên Chúa đã đến làm trọn lời hứa của Thiên Chúa và làm thỏa mãn mọi ước vọng của con người. Thiên Chúa đã đi bước trước trong chương trình cứu độ và chờ đợi con người đáp lại bằng hối cải và niềm tin. Con người phải dùng tự do và ý thức để vận dụng mọi khả năng mà thay đổi đời sống, mà đi vào Triều Đại Thiên Chúa, mà đón nhận Chúa Giê-su Cứu Thế.
Thiên Chúa muốn con người phải hoán cải từ bên trong, toàn diện và liên tục. Các việc đạo đức như đi lể, đọc kinh, cầu nguyện chỉ được Thiên Chúa chấp nhận, khi những phương thế đó giúp người tín hữu thay đổi lòng dạ và đổi mới các tương quan. Mục đích các việc đạo đức là làm cho Ki-tô hữu thuộc về Chúa mỗi ngày hơn nữa và sống chan hòa yêu thương với mọi người không trừ ai. Vậy tôi phải làm gì, phải cố gắng thế nào?
NGẮM THỨ BỐN
“Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2)
Vinh quang biến hình báo trước vinh quang Phục Sinh. Hơn nữa Chúa Giê-su không chết một mình và không sống lại một mình. Mọi người đã cùng chết với Chúa và mọi người đã cùng sống lại với Người. Thánh Tẩy ki-tô giáo làm cho người tín hữu cùng chết và cùng sống lại với Chúa, đồng thời liên kết họ thành thân thể Phục Sinh. Chúa Ki-tô là đầu và các tín hữu làm thân thể này. Vinh quang Phục Sinh rạng ngời nơi Đầu thế nào, thì cũng tràn ngập toàn thân như vậy.
Được “sinh ra bởi nước và Thần Khí“, người Ki-tô hữu đã rạng ngời vinh quang của Chúa Phục Sinh. Vậy tại sao vinh quang Phục Sinh không chiếu sáng nơi con người và cuộc sống của bạn? Vinh quang có đó, nhưng không chiếu tỏa được vì bạn còn sống cho mình. Chỉ khi nào bạn tự nguyện “biến mình” đi, thì bạn mới “biến hình” trong vinh quang. Khi đó bạn và tôi hướng thẳng về Chúa, “chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương, như vậy chúng ta được biến đổi nên cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3, 18).
NGẮM THỨ NĂM
Chúa Giê-su Thánh Thể là Chúa Giê-su đã hiến thân cả hồn xác cho loài người trên thập giá. Chúa Giê-su Thánh Thể tiếp tục yêu thương chúng ta bằng việc hiến trọn thân xác, linh hồn và thiên tính, dưới dạng một tấm bánh vô tri bất động. Yêu đến cùng và hạ mình như tấm bánh, Chúa Giê-su Thánh Thể muốn hiến thân mọi nơi mọi lúc và để không một ai phải ngại ngùng e dè khi đón nhận Bánh Thánh Thể. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được tình yêu hiến thân đó khi viết rằng: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Chúa Giê-su Thánh Thể yêu tôi hết mình, hết sức, mà tại sao tôi không cảm thấy gì? Cái gì cũng phải trả giá. Trả giá ít thì được ít, trả giá càng cao thì càng được nhiều. Bạn yêu mến Chúa Giê-su ít quá, nên ít cảm nhận được Tình Yêu của Người. Hãy yêu mến nhiều, bạn sẽ cảm nhận nhiều. Nhưng Chúa Giê-su Thánh Thể yêu bạn tận tình tận lực, nghĩa là không thể yêu hơn được nữa. Bạn có dám yêu mến Chúa hết lòng hết sức như Chúa yêu bạn không? “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 38).
(Trích từ sách “Hướng dẫn cách lần hạt Mân Côi” – Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng – NXB Tôn Giáo năm 2015)