Tuần Thánh là đỉnh cao của năm phụng vụ, là hành trình thiêng liêng mà Hội Thánh mời gọi mỗi tín hữu bước theo dấu chân Chúa Giêsu trong những ngày sau hết của cuộc đời trần thế – “Từ lúc Người vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, đến cuộc Thương Khó hồng phúc và sự Phục Sinh vinh quang của Người” (Lịch Phụng vụ). Đây là thời gian thánh thiêng, không phải để nghỉ ngơi hay thư giãn như một kỳ nghỉ thông thường, mà là để hiệp thông sâu xa với mầu nhiệm cứu độ qua việc cầu nguyện, chay tịnh và tham dự các cử hành phụng vụ.
Tuy nhiên, trong Tuần Thánh, có nhiều hình thức cử hành khác nhau: từ phụng vụ chính thức của Hội Thánh cho đến các nghi thức đạo đức bình dân. Vì thế, có người vẫn băn khoăn: đâu là những Thánh lễ hay nghi thức mà người tín hữu buộc phải tham dự, và đâu là những nghi thức thuộc về lòng đạo đức bình dân, không bắt buộc nhưng mang giá trị thiêng liêng riêng biệt?
Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng các cử hành phụng vụ chính thức trong Tuần Thánh – đặc biệt là Tam Nhật Vượt Qua, bao gồm:
– Thánh lễ Tiệc Ly (Thứ Năm Tuần Thánh)
– Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô (Thứ Sáu Tuần Thánh)
– Đêm Vọng Phục Sinh (tối Thứ Bảy Tuần Thánh)
1. Thứ Năm Tuần Thánh
a. Thánh lễ làm phép Dầu (Missa Chrismatis)
Vào buổi sáng Thứ Năm Tuần Thánh (hoặc ngày khác trong Tuần Thánh theo sắp xếp giáo phận), “Thánh lễ Làm Phép Dầu do Giám mục giáo phận chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài, bày tỏ sự hiệp thông giữa Giám mục và linh mục đoàn” (LPV). Trong Thánh lễ này, các linh mục sẽ công khai lặp lại lời tuyên hứa ngày chịu chức, và Đức Giám mục làm phép các loại dầu thánh: dầu dự tòng , dầu bệnh nhân và dầu thánh (Crisma).
Thánh lễ Dầu không buộc giáo dân phải tham dự, nhưng được khuyến khích tham dự nếu có thể, đặc biệt là với các tu sĩ, hội đoàn và những người phục vụ trong Giáo Hội.
b. Thánh lễ Tiệc Ly (Missa in Coena Domini)
Vào buổi chiều tối, toàn thể cộng đoàn tín hữu quy tụ để cử hành Thánh lễ Tiệc Ly, ghi nhớ ba mầu nhiệm trọng đại:
– Chúa lập Bí tích Thánh Thể
– Thiết lập chức linh mục
– Trao ban giới răn yêu thương
Trong Thánh lễ này, diễn ra nghi thức rửa chân tượng trưng cho sự khiêm nhường phục vụ và tình yêu huynh đệ, sau đó Mình Thánh Chúa được kiệu đến một Nhà Tạm được chuẩn bị đặc biệt cho dịp này (thường gọi là bàn thờ phụ), và cộng đoàn cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa. Nhà Tạm chính trong nhà thờ sẽ để trống và mở cửa.
Thánh lễ này không bắt buộc về mặt giáo luật, nhưng được xem là rất quan trọng, mở đầu Tam Nhật Thánh. Mọi tín hữu nên sốt sắng tham dự để cùng bước vào mầu nhiệm Vượt Qua.
2. Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
“Hôm nay, Chiên Vượt Qua là Đức Kitô chịu hiến tế, nên Hội Thánh cử hành việc suy tôn và kính thờ Thánh Giá, vì nhờ Thánh Giá, ơn cứu độ được ban cho cả thế giới. Theo truyền thống rất xa xưa, hôm nay Hội Thánh không cử hành Thánh lễ” (LPV). Đây là ngày duy nhất trong năm không cử hành Thánh lễ, nhưng có phụng vụ đặc biệt gồm ba phần:
– Phụng vụ Lời Chúa, kể lại cuộc thương khó theo Tin Mừng
– Kính thờ Thánh Giá, dấu chỉ cứu độ
– Rước Mình Thánh Chúa được truyền phép từ hôm trước
Có buộc tham dự không? Không có luật buộc như ngày Chúa nhật, nhưng vì đây là một phần trung tâm của Tam Nhật Thánh, Hội thánh khuyến khích mọi tín hữu tham dự với tinh thần thống hối và tôn kính sâu xa.
Bổn phận ăn chay và kiêng thịt : Giáo luật qui định “Những người đã được mười bốn tuổi trọn buộc phải giữ luật kiêng thịt, nhưng tất cả mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu được sáu mươi tuổi phải giữ luật ăn chay” (điều 1252).
Các thực hành đạo đức phổ biến: Ngoài phụng vụ chính, các tín hữu thường sốt sắng ngắm Đàng Thánh Giá vào giờ thích hợp, trước khi cử hành nghi thức của ngày này.
3. Thứ Bảy Tuần Thánh – Ngày thinh lặng
“Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời ăn chay cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh” (LPV). Hội Thánh không cử hành bất kỳ Thánh lễ nào trong ngày, vì Chúa Giêsu đã được mai táng.
Hội Thánh mời gọi các tín hữu:
– Hiệp thông cầu nguyện trong thinh lặng
– Suy niệm cuộc tử nạn của Chúa
– Canh thức hy vọng đợi chờ sự Phục Sinh
Khuyến khích cử hành: Các cộng đoàn có thể tổ chức Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng, hoặc các giờ cầu nguyện chung theo hình thức đọc Kinh Thánh, hát Thánh vịnh.
4. Đêm Vọng Phục Sinh – Canh thức và mừng Chúa sống lại
Đây là cao điểm của toàn bộ năm phụng vụ: Đêm Canh Thức Vượt Qua – đêm ánh sáng chiến thắng bóng tối, đêm sự sống vượt qua sự chết.
Bốn phần chính của phụng vụ đêm vọng Phục sinh:
– Phụng vụ ánh sáng: làm phép nến Phục Sinh và rước nến sáng vào trong bóng tối.
– Phụng vụ Lời Chúa: kể lại toàn bộ lịch sử cứu độ qua các bài đọc.
– Phụng vụ Thánh Tẩy: làm phép nước và rửa tội cho các tân tòng.
– Phụng vụ Thánh Thể: mừng Chúa phục sinh hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể.
Lễ này có buộc không? Giáo luật điều 1248 §1 nói rõ: “Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ”. Vậy nên, nếu ai tham dự thánh lễ Đêm Vọng Phục Sinh được xem là chu toàn việc buộc dự lễ của ngày Chúa nhật.
Tuy nhiên, thật tốt biết bao khi chúng ta tham dự đầy đủ tất cả các nghi lễ của Tam Nhật Thánh và mừng Chúa Phục sinh vào ngày Chúa nhật.
Lòng đạo đức bình dân
Ngoài các phụng vụ chính thức, truyền thống đạo đức bình dân của người Công giáo khắp nơi đã tạo nên nhiều nghi thức sâu sắc và phong phú:
– Ngắm 14 chặng Đàng Thánh Giá
– Ngắm 15 sự thương khó, một loại ngắm đặc thù của người công giáo Việt Nam.
– Đi kiệu thầm lặng (Processio Silentii)
– Đàng thương khó với Đức Mẹ (Via Matris Dolorosae)
Những thực hành này không buộc nhưng rất đáng khuyến khích, nếu được sống với tinh thần cầu nguyện chân thành và hiệp thông với Hội Thánh.
Bạn cần tham dự gì trong Tuần Thánh?
Ngày | Phụng vụ chính thức | Có buộc tham dự không | Ghi chú |
---|---|---|---|
Thứ Năm | Thánh lễ Tiệc Ly | Không buộc, nhưng nên đi | Khai mạc Tam Nhật Thánh |
Thứ Sáu | Tưởng niệm cuộc Thương khó | Không buộc nhưng rất nên tham dự | Buộc ăn chay & Kiêng thịt |
Thứ Bảy – Ban ngày | Không có Thánh lễ | Không buộc | Sống trong thinh lặng & đợi chờ |
Đêm Vọng Phục sinh | Thánh lễ Phục sinh | Bắt buộc, nếu không dự lễ Chúa nhật | Đỉnh cao của năm Phụng vụ |
Chúa nhật Phục sinh | Mừng Chúa Phục sinh | Bắt buộc – Lễ trọng | Bắt đầu mùa Phục sinh |
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người” (Rm 6,8)
Tác giả: G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: gpquinhon.net