Tác giả: Cindy Wooden
Giáo hội Công giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phản ứng với sự ra đi hoặc sự từ chức của một vị Giáo hoàng. Vì vậy, họ có những hướng dẫn rõ ràng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch tang lễ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Giáo hoàng mới và quản lý các vấn đề quan trọng trong thời gian này.
Các hướng dẫn được tìm thấy trong tông hiến năm 1996 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, “Universi Dominici Gregis” (Vị Chủ Chăn Phổ Quát của Dân Chúa), được Giáo hoàng Benedict XVI sửa đổi vào năm 2007 và một lần nữa ngay trước khi ngài từ chức vào năm 2013.
Tài liệu cho biết tang lễ và nghi thức an táng của một Giáo hoàng qua đời khi đang tại nhiệm nên diễn ra “vào khoảng ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi ngài qua đời”. Ngày chính xác được xác định tại một cuộc họp của tất cả các Hồng y có thể đến Vatican ngay sau khi vị Giáo hoàng qua đời.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, một Giêsu Hữu tiên phong với tấm lòng hướng về người nghèo, qua đời ở tuổi 88
Các Hồng y này cũng sẽ ấn định thời điểm bắt đầu mật nghị bầu Giáo hoàng kế vị, mặc dù vậy theo bản cập nhật của Giáo hoàng Benedict về Tông hiến “Universi Dominici Gregis” thì mật nghị phải được tiến hành sớm nhất là 15 ngày kể từ ngày Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức và không được quá 20 ngày kể từ khi trống tòa.
Ngài cũng thêm rằng: “Khi hầu như tất cả các Hồng y cử tri đều có mặt” thì mật nghị cũng có thể tiến hành sớm hơn. Các Hồng y cử tri phải là những người dưới 80 tuổi vào ngày Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức.
Lễ tang bắt đầu giai đoạn bắt buộc là 9 ngày để tang chính thức. Trong tám ngày tiếp theo, các thánh lễ tưởng niệm đều được tổ chức tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Giai đoạn chín ngày này được gọi là “novendiales” (9 ngày).
Khi vị Giáo hoàng qua đời, hầu hết các viên chức cấp cao của Vatican, bao gồm cả người đứng đầu các phòng ban, đều mất việc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hầu hết nhân viên Vatican được nghỉ. Công việc vẫn diễn ra như thường lệ, chỉ khác ở chỗ các thư ký phòng ban sẽ quản lý các thủ tục giấy tờ, thư từ và sắp xếp cuộc họp đang diễn ra.
Tuy nhiên, việc công bố các tài liệu, đề cử các tân Giám mục và phê duyệt các điều lệ cho các trường đại học Công giáo và các dòng tu đều tạm ngưng. Bất kỳ tài liệu hoặc thông báo nào cần được thực hiện nhân danh Vatican hoặc Giáo hoàng đều phải đợi cho đến khi một giáo hoàng mới được bầu và các giám đốc của các văn phòng khác nhau được tái xác nhận hoặc bổ nhiệm.
Hai quan chức cấp cao của Vatican vẫn giữ nguyên chức danh và nhiệm vụ của mình là “Nhiếp Chính”( chamberlain), hiện là Hồng y người Hoa Kỳ tên là Kevin J. Farrell, và người đứng đầu Tòa Ân giải Tối cao là Hồng y Angelo De Donatis. Vai trò của Hồng Y Nhiếp Chính trở nên rất quan trọng khi một Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức. Tòa Ân giải Tối cao là tòa án Vatican xử lý các vấn đề liên quan đến việc Bí tích Hòa giải và ân xá, do đó, việc có Hồng y De Donatis tại chức sẽ giúp đảm bảo rằng những người muốn được tha thứ cho những tội trọng có thể được xá giải.
Tông hiến “Universi Dominici Gregis” cũng nêu rõ rằng “người phát chẩn của Đức Thánh Cha cũng sẽ tiếp tục thực hiện các công việc từ thiện theo các tiêu chí được áp dụng trong suốt cuộc đời của Đức Giáo hoàng”. Vị trí đó do Đức Hồng y Konrad Krajewski đảm nhiệm, và ngài cũng là Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái.
Mọi thứ liên quan đến tang lễ và chuẩn bị cho mật nghị bầu người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Phanxicô đều thuộc về Hồng y đoàn.
Các nghi lễ và nghi thức, bao gồm cả việc xác nhận chính thức về cái chết của Đức Giáo hoàng và 8 thánh lễ tưởng niệm được tổ chức sau lễ tang, đều được nêu chi tiết trong cuốn “Nghi thức tang lễ của Giáo hoàng Rôma” (Ordo Exsequiarum Romani Pontificis). Tài liệu này ban đầu được Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II chấp thuận vào năm 1998, nhưng chỉ được công bố sau khi ngài qua đời vào năm 2005. Vào cuối năm 2024, theo quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Vatican đã công bố một phiên bản mới hơn và đơn giản hơn.
Bác sĩ điều hành dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vatican cung cấp giấy chứng nhận dân sự về cái chết của Đức Giáo hoàng, bao gồm cả nguyên nhân. Nghi lễ xác minh cái chết của Giáo hoàng diễn ra tại nhà nguyện nơi ngài cư trú. Nghi lễ này do Hồng y Nhiếp Chính chủ trì, đi cùng là vị trưởng Hồng y đoàn, người chủ trì các nghi lễ phụng vụ của giáo hoàng, và bác sĩ.
Trong quá khứ đã từng có phong tục dùng búa bạc gõ vào trán của Giáo hoàng mới qua đời để đảm bảo rằng ngài đã chết, nhưng thông lệ đó đã không còn được áp dụng từ rất lâu đời.
Hồng Y Nhiếp Chính cũng chịu trách nhiệm niêm phong phòng làm việc và phòng ngủ của vị Giáo hoàng quá cố và chính thức thông báo cho hồng y đại diện Rôma và linh mục trưởng của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô.
Trước khi mật nghị diễn ra, tất cả các hồng y, bao gồm cả những người trên 80 tuổi, đều tham gia vào các “cuộc họp”.
Theo Tông hiến “Universi Dominici Gregis” thì “công hội” (general congregation) bao gồm tất cả các hồng y sẽ chỉ giải quyết “các vấn đề quan trọng”. Trong khi đó, “các câu hỏi ít quan trọng hơn thường xuyên xuất hiện” sẽ được giải quyết trong “hội nghị chuyên biệt” (particular congregation).
Theo Tông huấn thì các hồng y rút thăm để chọn ba hồng y sẽ hỗ trợ cho Hồng Y Nhiếp Chính với tư cách là thành viên của “hội nghị chuyên biệt” trong nhiệm kỳ ba ngày. Tuy nhiên, tông hiến về Giáo triều Rôma của Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Rao giảng Tin Mừng” (Praedicate Evangelium) chỉ rõ rằng một trong những thành viên này phải là Hồng y Điều phối viên của Hội đồng Kinh tế, hiện là Hồng y người Đức tên là Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich-Freising.
Công hội sẽ được tiến hành dưới sự lãnh đạo của vị niên trưởng hồng y đoàn, Đức Hồng y Giovanni Battista Re. Ngoài việc lên lịch tang lễ và mật nghị, Công hội còn có những phận vụ sau:
- Đảm bảo rằng một ủy ban gồm các thành viên chịu trách nhiệm chuẩn bị phòng ốc tại nhà Thánh Mát-ta, dinh thự Vatican nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô từng sống, cho các hồng y trong suốt thời gian mật nghị diễn ra. Các phòng sẽ được phân bổ thông qua hình thức rút thăm.
- Chuẩn bị Nhà nguyện Sistine để bầu vị Giáo hoàng mới.
- Chỉ định hai giáo sĩ được nhìn nhận là”có nền tảng giáo lý lành mạnh, sự khôn ngoan và thẩm quyền đạo đức” để chuẩn bị các bài suy niệm cho các Hồng y về các vấn đề mà Giáo Hội phải đối mặt cũng như về việc lựa chọn Giáo Hoàng kế vị.
- Phê duyệt các khoản chi liên quan đến việc lo hậu sự cho Đức Giáo hoàng.
- Sắp xếp việc tiêu hủy chiếc nhẫn ngư phủ của Đức Giáo hoàng và con dấu chì đã được dùng để niêm ấn các lá thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Các cuộc họp của công hội không được bí mật như mật nghị. Tuy nhiên, các Hồng Y và trợ lý của họ vẫn tuyên thệ giữ bí mật về mọi thứ liên quan đến cuộc bầu cử Giáo hoàng và các vấn đề khác đòi hỏi sự bảo mật trong khi ngai tòa còn trống.
Trong các cuộc họp của công hội, các Hồng Y có sự phục vụ của các phiên dịch viên tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức, cũng như người điều phối và các trợ lý khác.
Phê-rô Đào Anh Tuấn, S.J chuyển ngữ từ: America Magazine
Nguồn: dongten.net