Xin chào anh chị trưởng!
Em rất đam mê và hứng thú với mật thư, em theo dõi mục mật thư trên trang của giáo phận mình và các diễn đàn về mật thư trên mạng xã hội. Em nhận thấy giữa trang giáo phận của mình và các diễn đàn có đôi chút sự khác biệt.
Em có hai thắc mắc này, mong được giải đáp:
Thứ nhất, các mật thư trên trang giáo phận mình thì có mức độ khó hơn so với các diễn đàn. Em không rõ lý do tại sao lại có sự khác biệt này?
Thứ hai, có cần tuân thủ các quy tắc của mật thư hay không? Bởi em thấy có nhiều mật thư nhìn vậy mà không phải vậy, xem lời giải thì không hiểu gì luôn.
Em cảm ơn anh chị trưởng.
An-tôn Vũ Ngọc Đáng
TRẢ LỜI
Trước hết, xin cảm ơn bạn đã luôn theo dõi và tương tác với trang nhà trong thời gian vừa qua, mong rằng bạn sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình và gửi về những câu hỏi nhằm giải đáp chung thắc mắc của nhiều bạn khác, cùng nhau đào sâu sự hiểu biết về chuyên môn.
Quay trở lại với câu hỏi của bạn, ad xin tổng hợp ý kiến của các anh chị trưởng và “kim chỉ nam” của Ban truyền thông để giải đáp.
Thứ nhất, tại sao các mật thư trên trang nhà có mức độ khó hơn so với các diễn đàn?
Tiếc là “các diễn đàn về mật thư” mà bạn đề cập thì bạn không nói rõ các trang đăng tải nào, nên ad chưa thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, dựa vào thông tin các anh chị trưởng cung cấp và một số trang điện tử về mật thư mà ad có theo dõi, thì có thể nói (một phần thôi, chứ không phải tất cả) tính chất của các trang này nghiêng về giao lưu, thực hành hơn là huấn luyện. Hay nói cụ thể hơn, đây là sân chơi cho các bạn có đam mê với mật thư tự do trình bày quan điểm, sự sáng tạo và thể hiện những gì mình hiểu biết, hơn là có tính định hướng của một nhóm/cá nhân có tiếng nói/ảnh hưởng của trang/hội nhóm đăng tải. Trình độ, khả năng của người đăng tải mật thư thì khác nhau, cho nên có những mật thư khi mình xem thì thấy quá dễ, nhưng cũng có mật thư thấy quá khó, khi đã áp dụng hết các cách giải mà vẫn không tìm ra đáp án. Như vậy, tính chất giải trí sẽ chiếm phần lớn hơn so với tính chất huấn luyện.
Đối với trang web và fanpages của TNTT giáo phận mình, định hướng của mật thư là tính huấn luyện sẽ chiếm phần lớn hơn tính giải trí. Tính huấn luyện ở đây được thể hiện rõ qua việc phân cấp đối tượng phục vụ: thiếu nhi và huynh trưởng.
Đối với thiếu nhi: trang bị những kiến thức cơ bản và nâng cao dần cho những em mới làm quen với mật thư; ôn luyện mật thư cũ, học mật thư mới và khám phá biến thể của mật thư cho những em đã có nền tảng về mật thư.
Đối với huynh trưởng: các anh chị trưởng đã được “bầm dập” qua các lớp huấn luyện, các khóa chuyên hiệu, nhiều sa mạc đầy thử thách, thì trình độ của các anh chị ấy đã quá “máu lửa” rồi, cho nên mật thư đưa ra sẽ mang tính ôn luyện, và “cà khịa” ở các mật thư biến thể.
Ngoài ra, thang điểm độ khó sẽ có sự thay đổi theo chương trình huấn luyện chung của Ban nghiên huấn và tình hình thực tế. Khi càng đến gần mùa hè, mùa sa mạc thì mức độ khó của mật thư sẽ được tăng thêm; hoặc khi bước vào thời gian ôn thi, thi cử của các bạn học sinh/sinh viên thì mức độ khó của mật thư sẽ giảm xuống (đa số sẽ ở mức trung bình).
Thứ hai, quy tắc của mật thư.
Chúng ta cần lùi lại thời gian chút xíu, nhớ lại nguồn gốc của mật thư, kiến thức cơ bản này thì ad không cần nhắc lại nha. Chúng ta thấy rõ là cần phải có sự thống nhất giữa người truyền và người nhận, nếu không thì thông tin sẽ bị sai lệch. Đó chính là quy tắc, quy luật.
Sang thời hiện đại, mật thư được xếp vào nhóm kỹ thuật truyền tin và mang tính chất toàn cầu, thì quy tắc cần phải có sự thống nhất chung và càng được đề cao hơn.
Nói một cách bình dân cho dể hiểu, mật thư là một trò chơi, mà trò chơi thì phải có luật chơi để mọi người tuân thủ và chơi sao cho đúng.
Một hệ thống mật thư thì sẽ có chung một quy tắc về cách trình bày (thể hiện qua bản tin và khóa) và cách giải. Trong hệ thống đó, có các dạng mật thư đặc thù thì mật thư đó sẽ mang thêm một số quy tắc đặc thù. Dạng mật thư sẽ có biến thể theo sự phát triển của thời đại, thì mật thư biến thể vẫn mang quy tắc của dạng mà nó biến thể.
Nếu mật thư mà không có quy tắc thì sẽ dẫn đến tình trạng “loạn”: người gửi thì tự đặt ra “luật chơi riêng” của mình, vậy thì người nhận sẽ giải bằng cách nào?
Lấy ví dụ minh họa nhé:
VD 1: Người gửi thông tin chọn loại “chữ thay số” để làm mật thư, nhưng khi soạn thảo lại chọn mật thư “hàng-cột”, bản tin thể hiện là mật thư “phân số”, khóa là mật thư “tọa độ”. Chỉ trừ trường hợp mật thư này có nhiều khóa, chứ không thì người giải có nước khóc ròng.
VD 2: Người gửi thông tin chọn loại “tọa độ”, khi thiết kế bảng tọa độ thì thứ tự các chữ cái ghi vào bảng lại lung tung: hàng chạy ngược, hàng chạy xuôi, hàng thì đường chéo. Chỉ trừ khi mật thư này thuộc loại tình báo, an ninh quốc gia thì may ra, chứ trong phạm vi sân chơi mật thư thì … bó tay.
Với những nội dung trả lời trên, hy vọng sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn An-tôn Vũ Ngọc Đáng và các bạn khác.
Bạn Đáng và các bạn khác có ý kiến đóng góp thì hãy mạnh dạn còm nhé.