Trong kinh Tin kính có đoạn nói về Chúa Giêsu: “… chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại…”. Vậy, xuống ngục tổ tông nghĩa là gì? Chúa Giêsu có thật sự xuống địa ngục không? (Bạn đọc Nguyễn Quang Thanh, TPHCM)
Trả lời của cha Giuse Vũ Đức Thiện, giáo sư Đại Chủng viện Thánh Quí:
Khi đọc kinh Tin kính của các tông đồ, Kitô hữu chúng ta thường khẳng định rằng Chúa Giêsu “xuống địa ngục” sau khi Người chịu chết. Nhưng đây có phải là trường hợp hiểu theo nghĩa đen không, chúng ta có nên hiểu theo ý nghĩa địa ngục như hay nghĩ không?
Địa ngục mà Chúa Kitô xuống sau cái chết của Ngài không là địa ngục mà chúng ta tưởng tượng. Trước công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu, “địa ngục” là một từ chỉ nơi bao gồm tất cả các linh hồn, trong đó có các linh hồn của những người đáng bị nguyền rủa, trong tiếng Do Thái gọi là Sheol, hoặc Hades trong tiếng Hy Lạp.
Trước khi Chúa Giêsu xuống trần gian, ý niệm địa ngục là một thực tại khác biệt được tạo thành từ hai tầng khác nhau. Tầng thứ nhất bao gồm linh hồn của những người đáng bị nguyền rủa đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, đến nỗi ngay cả việc Ngài xuống địa ngục cũng không thể cứu được họ. Đây là những linh hồn phạm tội không thể tha thứ, tức là họ phạm tội trọng nhưng không chịu đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa (x. Mc 3,29). Trong Tân Ước, khu vực địa ngục này đôi khi còn chỉ một trong những thung lũng bên ngoài Giêrusalem, nơi từng là đống rác khổng lồ của thành phố Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, địa ngục được hiểu là một nơi ghê tởm, khủng khiếp, trong đó chất thải của con người và động vật liên tục bị đốt cháy, nói cách khác, một nơi mà “sâu bọ không chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,48).
Ngược với tầng thứ nhất, tầng thứ hai của địa ngục bao gồm những linh hồn đang trên đường lên thiên đàng, nhưng không thể vào đó vì công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô chưa hoàn thành. Mặc dù một số nhà thần học (nổi tiếng nhất là linh mục người Thụy Sĩ thế kỷ XX Hans Urs von Balthasar) đã cố gắng lập luận ngược lại, nhưng cách hiểu truyền thống về Giáo hội là khi Chúa Kitô xuống địa ngục, Ngài giải thoát những linh hồn ở tầng thứ hai, tức là linh hồn của những người công chính để họ có thể được vào thiên đàng.
Chúa Giêsu không xuống địa ngục để cứu chuộc các linh hồn đáng bị kết án, vì họ đã chống lại Ngài khi họ còn sống. Sách Giáo lý Công giáo giải thích rằng: “Đức Giêsu xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến” (GLCG§633). Sau khi Chúa Kitô đi xuống địa ngục giải phóng các linh hồn công chính để lên Thiên Đàng và đưa các linh hồn “lấp lửng” vào luyện ngục, thì địa ngục lúc này đã trở thành một nơi giam giữ vĩnh cửu của những kẻ đáng bị đày đọa. Do công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô trên thập giá, luyện ngục đã được mở ra như một con đường dẫn lên thiên đàng. Vì lý do này, chúng ta không còn có xu hướng nghĩ luyện ngục là một phần của địa ngục nữa.
Do đó, khi Tân Ước nói đến địa ngục, hay “hình phạt bằng lửa đời đời”, là đề cập đến nơi trừng phạt vĩnh viễn dành cho những kẻ bị nguyền rủa. Địa ngục này tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi Chúa Kitô ngự xuống đó. Nhưng khi nói về địa ngục trong kinh Tin kính của các Tông đồ thì cần hiểu đó là nơi bao gồm tất cả các linh hồn, được phân biệt thành hai tầng, tầng thứ nhất là các linh hồn đang trên đường lên thiêng đàng, và tầng thứ hai dành cho các linh hồn của những người đáng bị hình phạt.
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc