Chị trưởng của xứ em giao cho em tuyển chọn nhân sự để lập đội kiểu mẫu. Mà em không rõ những tiêu chuẩn nào để chọn nhân sự, như thế nào là đội kiểu mẫu và sau khi hình thành rồi thì cần làm những công việc gì.
Anh chị cứu em với.
Dự trưởng Lucia NBT
PHẦN TRẢ LỜI
Chào em, dựa trên tinh thần đường lối của Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Phú Cường và một số kiến thức cùng với kinh nghiệm học hỏi về đội kiểu mẫu của chị, chị xin phép được chia sẻ cũng như mong là có thể giúp em trả lời phần nào những câu hỏi về Đội kiểu mẫu của em nha:
- Thế nào là đội kiểu mẫu?
Đội kiểu mẫu là một nhóm những em được tuyển lựa trong Đoàn Thiếu Nhi của giáo xứ em, nhóm này sẽ được huấn luyện kĩ càng trước để trở thành những người giữ vai trò đội trưởng, đội phó, làm nòng cốt cho đoàn sau này. (Nói dễ hiểu hơn thì đội kiểu mẫu là huấn luyện một số em trở thành những người “đứng đội”, sau khi hoàn thành các nội dung của đội kiểu mẫu các em này sẽ giúp đỡ các huynh trưởng trong việc hướng dẫn, quản lý các đơn vị đội, huấn luyện đội kiểu mẫu cũng chính là huấn luyện huynh trưởng từ xa)
- Đội kiểu mẫu có vai trò gì trong đoàn thiếu nhi?
- Đội kiểu mẫu chính là một tập hợp những Đội trưởng, Đội phó tương lai của đoàn, hay nói cách khác là những bạn sẽ trở thành chỉ huy, lãnh đạo của một đơn vị Đội, chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp cho các em thiếu nhi theo sự phân công của các cấp trên.
- Các bạn tham gia đội kiểu mẫu sẽ trở thành người anh, người chị yêu thương, chăm sóc, bảo bọc cho các em đội viên từ tinh thần đến vật chất như anh chị em trong một gia đình.
- Bên cạnh đó, sau quá trình rèn luyện các bạn ấy sẽ đóng vai trò như những huấn luyện viên trong việc hướng dẫn và huấn luyện đội viên theo chương trình thăng tiến của Đoàn đề ra.
- Tại sao phải thành lập đội kiểu mẫu (hay nói cách khác đội kiểu mẫu đem lại những lợi ích gì)?
- Huấn luyện đội kiểu mẫu chính là cách tốt nhất cho người học và cả người dạy làm quen và thấm nhuần phương pháp hàng đội, một phương pháp đem lại nhiều hiệu quả trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
- Những bạn được huấn luyện kĩ càng từ đội kiểu mẫu có thể chia sẻ công việc điều hành Đoàn nhất là trong việc điều khiển quản lý đội, giúp công việc chung trở nên nhẹ nhàng còn các bạn thì trưởng thành hơn.
- Giúp tạo ra những Tông Đồ Đội Trưởng nhiệt thành, tích cực, tạo tiền đề cho thế hệ kế thừa sau này, trở thành lớp Huynh trưởng xứng đáng trong tương lai.
- Cách thức tiến hành thành lập Đội kiểu mẫu:
- Tuyển chọn
- Tuổi:
+ Ngành Ấu: 11-13 tuổi
+ Ngành Thiếu: 13-15 tuổi
+ Ngành Nghĩa: 16-17 tuổi
Tuỳ vào hoàn cảnh và nguồn nhân lực của giáo xứ mà độ tuổi tuyển chọn có thể linh động thay đổi cho phù hợp. Chẳng hạn ở giáo xứ của chị, đội kiểu mẫu quy tụ các bạn được tuyển chọn từ ngành nghĩa trong độ tuổi từ 14-16 tuổi.
- Tư cách:
+ Có tư cách tốt, tác phong đúng đắn
+ Hoà nhã, khiêm tốn
+ Hy sinh và vâng lời cấp trên
+ Có phong thái của một người chỉ huy
- Khả năng:
+ Có thể hiểu và biết truyền đạt tới người khác
+ Trình độ học vấn khá
+ Tháo vát, nhanh nhẹn
+ Có khả năng ăn nói vững vàng rõ ràng.
- Chương trình học:
Với các tiêu chuẩn chọn lựa được liệt kê như trên. Việc huấn luyện ĐTĐP bao gồm các phần chính yếu như sau:
- Hiểu Biết Phong Trào:
– Hiểu rõ Mục Đích, Tôn Chỉ và Đường Hướng Giáo Dục của Phong Trào
– Hiểu rõ và am tường về Hệ Thống Tổ Chức và Điều Hành của Đoàn
– Hiểu biết các Cấp Bậc, Chức Vụ của các Cấp Lãnh Đạo trong Phong Trào
– Sơ Lược về 3 Ngành của Phong Trào
– Thuộc các Bài Ca Chính Thức của Phong Trào
– Học về Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh của Ngành
- Khả Năng Lãnh Đạo:
– Các Nghi Thức Nghiêm Tập
– Vai Trò và Trách Nhiệm của ĐTĐP
– Đời Sống Đạo Đức và Gương Mẫu của ĐTĐP
– Phương Pháp Hàng Đội Tự Trị
- Khả Năng Chuyên Môn:
– Biết soạn thảo và điều khiển chương trình họp đội
– Biết điều khiển sinh hoạt: Tập hát, trò chơi, băng reo v.v…
– Thông thạo Morse, Semaphore, Nút Dây
– Biết soạn thảo các báo cáo sinh hoạt đội
– Biết hướng dẫn và tổ chức cho Đội trong các sa mạc của Đoàn
– Biết cách tổ chức hành chánh cho Đội.
Những nội dung này em có thể tìm hiểu trong Sổ tay thiếu nhi giáo phận Phú Cường và các tài liệu huấn luyện huynh trưởng của giáo phận nha. Đội kiểu mẫu có thể tổ chức học mỗi tháng 1 lần (nếu có điều kiện hơn có thể mỗi tháng 2 lần, tăng cường vào các thời gian hè) và học quanh năm, duy trì từ năm này qua năm khác và có sự tiếp nối lứa này đến lứa khác, mỗi tháng có thể dạy 2-3 nội dung trong một buổi học, sau 3 tháng nên sát hạch hoặc kiểm tra bằng thực hành những kiến thức đã học để đánh giá và rút kinh nghiệm.
Chương trình học có nhiều mảng và nhiều nội dung khác nhau nên tùy điều kiện nhân sự của mỗi xứ đoàn mà phân chia công tác hướng dẫn đội kiểu mẫu sao cho phù hợp với chuyên môn và thế mạnh của mỗi trưởng. (Phù hợp nhất thì nên có 3 trưởng phụ trách chính, mỗi trưởng chịu trách nhiệm 1 mảng lớn đã nêu ở trên)
- Thực hành và duy trì đội kiểu mẫu:
Việc thành lập và huấn luyện đội kiểu mẫu sẽ là vô ích nếu như người huynh trưởng không tạo điều kiện cho các em thực hành những kiến thức đã học theo tinh thần của phương pháp hàng đội. Huấn luyện kĩ càng, thực hành để rèn luyện, rút kinh nghiệm những gì đã học, chia sẻ ưu khuyết điểm và kinh nghiệm cho nhau chính là những điều kiện buộc phải có để có thể đạt được hoa trái trong việc huấn luyện đội kiểu mẫu.
Một số điểm cần lưu ý để các em Đội trưởng Đội phó phát huy hết khả năng của mình trong việc áp dụng phương pháp hàng đội:
- Tạo uy tín: Nâng cao và tạo uy tin để đội trưởng đội phó làm việc, không khiển trách trước mặt đội viên, khéo léo giải thích với đội viên mà không làm ảnh hưởng đến đội trưởng đội phó
- Trao trách nhiệm: Luôn trao phó trách nhiệm điều hành đội cho đội trưởng đội phó, để đội trưởng đội phó chính là người truyền lệnh và hướng dẫn trực tiếp cho đội viên.
- Tổ chức hành chính trong đội: Trong mỗi đơn vị đội người đội trưởng đội phó cũng nên thành lập cơ cấu tổ chức đầy đủ như đội trưởng, đội phó, thư kí đội, thủ quỹ đội…Đây là cơ hội để thể hiện khả năng điều hành và để mọi người trong đội đều cùng nhau đoàn kết xây đựng đội.
- Tinh thần đội: Giải thích rõ để người đội trưởng đội phó hiểu rõ mình chính là phần tử chính yếu của đội, chịu trách nhiệm với mọi vấn đề trong đội, có bổn phận giúp đội phát triển tốt hơn, lên dây cót tinh thần cho đội viên của mình.
- Kiểm điểm: Người huynh trưởng hướng dẫn phải dành giờ họp để kiểm điểm với các đội trưởng đội phó, đo lường mức tiến triển của các đội, các ĐTĐP phải biết cách báo cáo các sinh hoạt của đội trong thời gian qua.
Nói tóm lại, việc thành lập Đội kiểu mẫu là để huấn luyện một cách kĩ càng và đầy đủ hơn những bạn thiếu nhi có tư cách và khả năng để những bạn ấy trở thành những người đội trưởng đội phó chỉ huy trực tiếp các đơn vị đội, là bước tạo tiền đề cho việc huấn luyện huynh trưởng sau này.
Sau quá trình học tập đã nêu ra ở trên, các bạn đội trưởng đội phó này sẽ được chia về đội để trở thành người chỉ dẫn trực tiếp, và cứ như vậy hết lứa này đến lứa khác đội kiểu mẫu được duy trì tốt thì các sinh hoạt đội, cấp, ngành cũng sẽ ngày càng phát triển hơn.
Một chị xứ đoàn trưởng xin được giấu tên.