Có những nguyên tắc rất chính xác:
– Đem hạnh phúc cho người, đó chính là hạnh phúc cho mình.
– Đem niềm vui cho người, đó chính là niềm vui cho mình.
– Giúp người, đó là giúp mình.
Ai không biết thực hiện những nguyên tắc này, đời người đó sẽ không có hạnh phúc, sẽ không có niềm vui, và sẽ rất nghèo nàn về kho tàng trên trời của mình. Những nguyên tắc này là chân lý từ Tin Mừng.
1. Vui là gì?
Mở tự điển thấy ghi vui là hớn hở. Chỉ vậy thôi! Chỉ nhìn gương mặt một người thì biết ngay là người đó đang vui hay đang buồn, đang bực tức, đang cau có, hay đang gì gì đó…
Có những niềm vui đến rất nhanh mà cũng bỏ đi rất nhanh, có khi để lại cay đắng hay hối tiếc: Một cuộc nhậu xả láng, “Dzô! Dzô! Một trăm phần trăm”. Vui quá trời luôn! Rồi sau đó: Ra… ra… hai trăm phần trăm luôn! Bà vợ dọn nhà, lau chùi sặc sừ luôn! Một bên thì cằn nhằn, một bên thì đau đầu quá chừng luôn. Như vậy đâu phải là niềm vui đích thực? Chỉ đem cay đắng cho mình và buồn khổ cho người khác thôi.
Nhưng: Những việc tốt ta làm thực sự đem lại cho ta niềm vui suốt đời, mỗi khi ta nhớ đến.
2. Giúp người là niềm vui?
Chúng ta hay nghĩ GIÚP người chỉ giới hạn trong vấn đề tiền bạc hoặc của cải vật chất thôi. Đó là cần thiết, đó là thực tế. Nhưng nếu người không có của cải tiền bạc thì vẫn giúp người được mà! Một nụ cười, một lời khen, một cử chỉ thân thiện… Sao ta hẹp hòi thế? Chúng ta quá “tiết kiệm” nụ cười, quá hà tiện lời khích lệ… cho người khác, thì sẽ không bao giờ nhận được những điều đó cho mình. Bốn chìa khóa của thành công: Thứ nhứt là CƯỜI, thứ hai là CHÀO, thứ ba là CẢM ƠN, thứ bốn là XIN LỖI. Cái chào chỉ có giá trị khi có nụ cười trên môi. Chào người ta mà cái bản mặt bí xị, lì câm như cái bánh đúc bán ế ngoài chợ để ruồi bu, thì chẳng ai mê được đâu. Nụ cười làm cho gương mặt mình rạng rỡ nhất, đẹp nhất, dễ thương nhất, dễ mến nhất, mà sao ta không chịu xài chứ? Đâu có mất sức, đâu có tốn giờ, đâu có tốn tiền? Ai cũng thích người ta mỉm cười với mình mà! Chúa chỉ ban cho con người có nụ cười thôi, con bò người ta vẽ nó cười để quảng cáo bán phó mát cho vui. Loài vật không biết cười để lấy lòng bạn của mình bao giờ. Vậy Chúa cho con người có nụ cười với mục đích là để làm vui lòng người khác! Thiệt mà. Hãy giúp người khác bằng nụ cười trời cho mình. Hồi còn đi học, một vị giáo sư dạy tụi mình phải tập cười bằng cách là sáng nào cũng soi mặt mình vào gương và đọc liên tục chữ tiếng Anh này: Cheese! Cheese…, làm cho cái miệng mình như đang cười vậy. Cười để làm đẹp còn hơn là bôi môi đầy son mà không cười!
3. Công bằng và bác ái
Công bằng là phải trả lại cho người ta cái “thuộc về họ”. Nợ người ta một triệu thì luật buộc phải trả đúng một triệu. Bác ái là cho người ta cái “thuộc về mình”. Không trả nợ là pháp luật xử lý. Không làm bác ái thì chả ai làm gì mình cả. Như vậy, bác ái chính là “giúp” người!
Người sống công bằng thì có “bình an” trong lòng; người sống bác ái thì có “niềm vui” trong lòng.
Hãy lấy việc giúp người làm niềm vui là như vậy.
4. Người ta không thể thương mà
không cho
Cha mẹ thương con cái thì không bao giờ tiếc gì với con cái. Con cái không thương cha mẹ thì tiếc đủ thứ: tiếc tiền, tiếc giờ, tiếc lời biết ơn, tiếc những nụ cười cảm thông… Và khi đó, cha mẹ già buồn và tủi thân lắm. Cũng có khi mình cho mà không thương thì cha mẹ cũng không vui đâu! Cha mẹ già mong tình thương hơn là của “bố thí”!
5. Giúp người là giúp mình
Trong Tin Mừng, ngày phán xét cuối cùng, Chúa bảo với những người biết giúp đỡ: “Hãy vào hưởng hạnh phúc ngàn đời dành sẵn cho các ngươi, vì khi Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…”. Một chén cơm, một bát nước… mà có được hạnh phúc đời đời! Dại gì mà không làm chứ. Quá nhiều người biết như vậy mà vẫn dại khờ! Thế mới là lạ!
Dân mình cũng xác nhận: “Mình ăn thì hết, người ăn thì còn!” Trên mộ của một tỷ phú nọ có 3 câu này đáng cho mỗi người suy nghĩ:
1. Những gì tôi có mà tôi đã tiêu xài thì không còn nữa.
2. Những gì tôi có mà tôi chưa kịp tiêu xài thì bây giờ nó ở trong tay kẻ khác rồi.
3. Những gì tôi có mà tôi đã giúp cho kẻ nghèo khó thì bây giờ nó lại là của tôi!
Như vậy, người giàu có nhất là người biết giúp đỡ, người nghèo nhất là người hà tiện. Có bảy mối “tội đầu”; tội đầu là tội đầu sỏ vì nó kéo theo nhiều tội khác: Thứ nhứt là kiêu ngạo; thứ hai là hà tiện. Người hà tiện không đánh đập ai cả, chỉ có là không cho ai cái gì, cuối cùng nó chết nó không đem theo được của cải nó ky cóp suốt đời, mà kho tàng của nó trên trời là số không. Giúp người là “giúp mình” là như thế đó.
Tagor – nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại – kể chuyện này rất hay, rất vui và rất… Tin Mừng: Một kẻ ăn xin chuyên nghiệp, ngày ngày đi xin. Hôm đó cũng đi xin, bỗng thấy từ xa một đoàn xe, bụi mù trời, đang tới phía mình. Ôi! Xe ai mà nhiều thế? Người ta bảo với anh: Đức vua chúng ta sắp đi qua… Ôi! Thật may mắn cho ta rồi. Ai cũng bảo đức vua rất thương người nghèo, rất hiền lành, rất rộng rãi! Nhất định phải gặp đức vua cho bằng được. Đoàn xe tới gần, anh đứng sát lề đường. Thấy cỗ xe lớn nhất, đẹp nhất, nhất định là xe của đức vua! Lạ lùng xe đức vua đến gần chỗ anh ăn xin đứng, chậm dần, chậm dần… và dừng lại ngay trước mặt anh! Ngạc nhiên vô cùng! Cửa mở… Một người vô cùng dễ thương, tươi cười bước xuống xe, đứng ngay trước mặt anh ăn mày! Quá sửng sốt chưa kịp nói gì, thì ngài đưa tay ra trước mặt anh và nói: “Anh có gì cho, hãy cho ta!”. Lạ lùng quá, ông vua lại đi xin thằng ăn mày?! Không biết nghĩ thế nào mà anh ăn xin thọc tay mình vào túi ăn xin lấy ra một hạt lúa mì rồi đặt trên tay đức vua! “Ta cảm ơn nhà ngươi!”. Rồi vua lên xe. Cửa đóng lại và đi luôn. Suốt ngày hôm đó, anh ăn xin chỉ cằn nhằn: Vậy mà ai cũng bảo nhà vua rất tốt… Chiều về, trút túi hành khất ra, rất ngạc nhiên, lăn lóc giữa bao nhiêu hạt lúa mì xin được, có một hạt lúa mì bằng vàng! Anh ăn mày hiểu ngay. Anh vò đầu, bứt tóc, gãi tai than tiếc, sao ta không cho hết, sao ta không biết cho hết chứ! Sao ta chỉ cho có mỗi một hạt thôi vậy chứ?
Có bao giờ chúng ta cũng như vậy chăng?
“Những gì tôi có mà tôi đã giúp cho kẻ nghèo khó, thì bây giờ nó lại là của tôi!”
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, GP Kon Tum
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc