Theo Tin mừng Máccô, điều cuối cùng chúng ta nghe từ Chúa Giêsu là một tiếng kêu: “Chúa Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi gục đầu tắt thở”. Nhưng trong Tin mừng Gioan vốn thường nhấn mạnh đến chức tư tế của Chúa Giêsu, chúng ta lại nghe được lời có tính phụng vụ ngay trước khi Ngài trút hơi thở. Trong bản tiếng Latinh, đó là câu consummatum est: nghĩa là mọi sự đã hoàn tất. Điều đó khẳng định rằng một công việc đã được thực hiện, một điều gì đó đã được hoàn thành. Trong Tân ước chúng ta thường nghe đến hạn từ ứng nghiệm: “để Kinh thánh được ứng nghiệm” và “ứng nghiệm lời Kinh thánh”. Chúa Giêsu tự xem mình như là cao trào của một câu chuyện, là chương cao điểm của một tiểu thuyết, là điểm mấu chốt của một vở kịch lớn. Nếu không biết những diễn biến của vở kịch, chúng ta sẽ không biết Ngài.
Và vở kịch này liên quan đến công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi xướng khi tạo dựng dân tộc Israel theo ý muốn của Ngài. Khi thế gian chệch đường vì tội lỗi, Thiên Chúa đã cố gắng tạo lập một gia đình có thể nhận biết và tôn thờ Ngài một cách đúng đắn. Tiến trình này bắt đầu với Ábraham và giao ước mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông, rồi tiếp tục ngang qua Môsê và Đavít, khi Thiên Chúa bảo đảm với họ các giao ước tiếp theo. Chúa muốn hình thành một dân tư tế, một dân tộc ngay chính, một lời ca tụng đúng đắn. Dân tộc có trật tự như vậy sẽ trở thành nam châm thu hút các quốc gia khác trên thế giới. “Núi Xion, bồng lai cực bắc, từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây”. Dù Thiên Chúa luôn tín trung, nhưng Israel thì lại “đung đưa”, hay thay đổi. Dù các ngôn sứ kêu gọi họ quay về trung thành giữ giao ước, nhưng họ đã không nghe. Dù được thiết lập như một nơi chính đáng để ca ngợi, Đền thờ đã trở nên thối nát. Và Israel không phải là thỏi nam châm thu hút các quốc gia khác, nhưng đúng hơn là bệ đỡ và tôi tớ của các quốc gia ấy. Israel làm nô lệ cho Ai Cập, bị các đế quốc Assyri, Babylon, Hy Lạp và Rôma giày xéo. Thêm vào đó, các chi tộc của Israel, thay vì tập hợp lại quanh núi Sion, lại bị phân tán. Và vì thế, Israel bắt đầu mơ về một vị Vua Đavít mới, một nhân vật sẽ thành toàn mọi kỳ vọng của dân và hoàn tất việc cứu thoát của Thiên Chúa.
Tác giả Tin mừng Gioan là một bậc thầy châm biếm, và một trong những điều khéo léo tuyệt với nhất của ông là tấm bảng mà Phongxiô Philatô đặt trên thập giá khi Chúa Giêsu đang hấp hối: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum (Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái). Tất nhiên, Tổng trấn Rôma có ý xem đó như một lời chế nhạo, nhưng tấm bảng – được viết bằng ba ngôn ngữ chính lúc bấy giờ, Do Thái, Latin và Hy Lạp – trên thực tế vô tình đã khiến Philatô trở thành người đầu tiên rao giảng Tin mừng. Trong Cựu ước, vua dân Do Thái được mệnh danh là vị vua của thế giới – và đây chính là điều mà Philatô đã công bố một cách hết sức hiệu quả. Ngay tại đồi Canvê, khi chỉ còn lại ba thành viên, cộng đoàn Giáo hội của Chúa Giêsu vẫn mang tính công giáo, vì Giáo hội đã được định sẵn để đón nhận tất cả mọi người. Vào Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đang tụ họp trong Nhà Tiệc ly đã được đầy tràn Thánh Thần và bắt đầu rao giảng Tin mừng. Thật kỳ diệu, những người có mặt tại Giêrusalem để tham dự lễ Lều đã nghe tiếng các môn đệ rao giảng bằng ngôn ngữ của mình. Các giáo phụ thấy rõ đây là sự đảo ngược của lời chúc dữ của tháp Babel, khi ngôn ngữ duy nhất của loài người bị phân chia, và vì thế, con người chống lại nhau. Giờ đây, qua lời loan báo của Vương quyền Chúa Giêsu, nhiều ngôn ngữ lại trở thành một duy nhất, vì xuyên mọi thời và mọi nơi, đây là sứ điệp mà mọi người đều nghe: Chúa Giêsu là vị Vua mới.
—
Trích từ “ĐÀNG THÁNH GIÁ VỚI ĐỨC GIÁM MỤC BARRON”
Lm. Phêrô Bùi Đức Trịnh
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org
Nguồn: giaophannhatrang.org