Với việc ban hành Tự sắc Apostolica Sollicitudo, Đức Phaolô VI đã chỉ rõ mục đích của THĐ như sau:
“1. Mục đích chung của Thượng Hội đồng Giám mục là:
a) Thúc đẩysự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Giáo hoàng và các Giám mục trên toàn thế giới;
b) Thu thập cứ liệu trực tiếp và chính xác về cácvấn đề và hoàn cảnh liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội và hành động mà Giáo hội phải thực hiện trong thế giới ngày nay;
c) Làm cho sự đồng thuận các ý kiến được dễ dàng hơn, ít nhất về những điểm cốt yếu của đạo lý và về cách thức hành động trong đời sống của Giáo hội.
2. Các mục đích đặc biệt và tức thời là:
a) Trao đổi thông tin thích hợp;
b) Bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề mà vì đó Thượng Hội đồng được triệu tập vào từng thời điểm”.[10]
Khi nhìn lại lịch sử 21 Công đồng chung, chúng ta nhận thấy khoảng thời gian từ Công đồng này đến Công đồng kế tiếp là khá xa, chẳng hạn: Công đồng Trentô (năm 1563) – Vaticanô I (1870) là 307 năm; Vaticanô I (1870) – Vaticanô II (1962-1965) là 92 năm. Như vậy, quá lâu để các Giám mục họp nhau nhằm bàn thảo và định hướng cho đời sống của Giáo hội, nhất là để bắt kịp với sự phát triển và những thay đổi rất nhanh chóng của thời đại cả về chính trị, văn hóa, xã hội và nhất là trong đời sống Giáo hội. Đây chính là “mối lo âu” của Đức Phaolô VI: “Mối âu lo về việc tông đồ, theo đó khi xem xét kỹ lưỡng các dấu chỉ thời đại, Ta cố gắng thích nghi những con đường và phương pháp của việc tông đồ thiêng liêng cho phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của thời đại chúng ta và với các điều kiện đã thay đổi của xã hội […] Thật vậy, trong thời đại này của chúng ta, thật sự có rất nhiều đảo lộn và đầy rẫy những nguy hiểm, nhưng lại rất rộng mở trước các luồng gió cứu độ của ân sủng thần linh”.[11] Đây có thể được xem như lý do đầu tiên cho việc thiết lập THĐGM, để kịp thời cập nhật và vạch ra hướng đi cho Giáo hội trước những thay đổi không ngừng của cuộc sống.
(Trích từ bài viết “Lịch sử Thượng Hội đồng Giám mục” của Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng – nguồn: hdgmvietnam.com)