Người Công giáo khi lâm bệnh nặng thì mời linh mục đến để ban các phép bí tích sau cùng, được rước Chúa vào lòng, đây là việc rất quan trọng và cần kíp, thường gọi là “Của Ăn Đàng”.
Nói đến “Của Ăn Đàng”, nhiều người hay nghĩ đó là việc trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân chuẩn bị từ giã thế gian mà về với Chúa. Mình Thánh Chúa hay Của Ăn Đàng mà những anh chị em nhận lãnh lúc sắp ra đi, sẽ giúp họ thêm lòng yêu mến, thêm sức mạnh của đức tin, thêm nghị lực thiêng liêng để bước vào giờ phút cuối của cuộc đời.
Giáo hội vẫn hiểu như thế. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì thật thiếu sót. Cuộc đời của con người sống trong trần gian được ví như một người lữ hành đang tiến về nhà Chúa, Của Ăn Đàng không chỉ có mặt ở giây phút cuối cùng, không phải chỉ là lúc gần đến đích mới xuất hiện, mà là lương thực chính yếu nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của cả đời người trên trần thế này. Chỉ có Mình Máu Thánh Chúa Kitô mới là Của Ăn trên mọi của ăn cho hành trình thiêng liêng của con người. Hiểu được điều này, bao lâu còn khỏe mạnh, tỉnh táo thì mỗi người phải lo chuẩn bị đền thờ trong lòng mà rước Chúa mỗi ngày, phải biết trân trọng đón nhận Mình Máu Thánh Chúa khi tham dự thánh lễ, rước Chúa bằng sự khao khát, trân trọng và kính thờ, bằng không ngược lại thì thật tiếc nuối cho linh hồn mỗi người!
Ý niệm về Của Ăn Đàng không chỉ có trong thời Tân Ước mà từ ngàn xưa, khi dân riêng của Chúa lang thang 40 năm trường trong sa mạc, đối diện với không biết bao nhiêu khó khăn: gió, cát, sức nóng của ban ngày, cái lạnh cắt da của đêm thâu, đói, khát, rắn độc… thì của ăn đàng đã xuất hiện: Manna và nước chảy từ đá giữa sa mạc khô đã nuôi sống dân trên hành trình chông gai tiến vào Đất Hứa, nơi mà họ có thể đặt nguồn hy vọng chan chứa nhưng cũng là niềm hy vọng duy nhất đưa họ vượt qua bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm mà nhiều phen tưởng chừng gục ngã.
Chưa dừng lại ở đó, ý niệm về Của Ăn Đàng lặp lại trong sách Các Vua quyển thứ I. Đó là câu chuyện liên quan đến tiên tri Êlia. Cuộc đời của tiên tri là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường chống lại việc thờ tà thần. Tiên tri đã chiến thắng, và vì chiến thắng nên người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Trong nỗi khốn cùng của cái đói, cái khát giữa cảnh cháy khô da người, Êlia thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4). Thiên Chúa cứu ông. Khi ông nhận từ tay Thiên Thần của Thiên Chúa chiếc bánh lùi và bình nước uống. Bánh và nước – của ăn đường mà ông lãnh nhận đã tiếp sức giúp ông đi hết chặng đường dài đến bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.
Nếu ngày xưa dân Chúa lữ hành tiến về đất hứa, và cuộc lữ hành của tiên tri Êlia đều được nuôi dưỡng bởi của ăn đến từ trời cao, thì trên đường lữ hành trần gian của người Kitô hữu hôm nay, có phần giông giống những gì thuộc về ngày xưa ấy. Chỉ khác là hôm nay, những người Kitô hữu hy vọng trời cao, hướng về đất hứa, không phải chỉ là “đất chảy sữa và mật” mà thôi, nhưng là vùng đất vĩnh cửu. Vì lữ hành tiến về sự sống vĩnh cửu, người Kitô hữu cũng có Của Ăn Đàng, là Thịt Máu Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô đã mạc khải Mình Máu của Người là của ăn vĩnh cửu: “Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”. Đường về Thiên Quốc phải có Chúa đồng hành là Tấm Bánh Trường Sinh vĩnh cửu. Ngài đã từ trời cao đến trần thế để ban Thịt Máu Mình làm Của Ăn Đàng cho con người. Cho nên Chúa Kitô là Của Ăn Đàng quý giá, là Nguồn Sống vĩnh cửu cho mỗi người.
Khi tham dự thánh lễ, mỗi người hãy mở rộng lòng đón chính Chúa Kitô ngự đến qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc đều là chính Chúa Giêsu. Lời Chúa dạy dỗ, chỉ cho mỗi người con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, hãy lắng nghe bằng trái tim của mình. Thánh Thể Chúa giúp mỗi người có sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách của cuộc đời.
Bạn hãy suy nghĩ, một người đói và suy dinh dưỡng, tức là thiếu ơn Chúa, thiếu nguồn sức mạnh từ nơi Thiên Chúa, chắc chắn sẽ không đi hết con đường của mình, nếu không muốn nói là quỵ ngã, linh hồn sẽ đi về đâu?
Linh mục GB Nguyễn Tấn Sang, GP Mỹ Tho
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc