“Việc cố gắng tạo ra những điều tích cực trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Chúng ta không được sinh ra để gây rắc rối và làm hại người khác. Để cuộc sống thực sự có ý nghĩa, ta cần củng cố và nuôi dưỡng những giá trị cơ bản của con người như sự nhiệt thành, lòng tốt và sự đồng cảm. Nếu làm được điều đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa, hạnh phúc và bình an hơn, đồng thời ta sẽ góp một phần tích cực vào thế giới quanh mình”. Lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đem lại cho người hôm nay nhiều suy nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh mà hận thù và bạo lực như cách thức tự nhiên được chọn để ứng xử trong mọi hoàn cảnh.
Tạo ra những điều tích cực, tức là gì?
Câu chuyện xảy ra với gia đình Berenice Pacheco, một bà mẹ đơn thân 30 tuổi của ba đứa trẻ, bị mất việc do dịch Covid-19. Do không có tiền, cả bốn mẹ con phải chuyển đến sống tạm tại nhà kho ở Los Angeles. Các đứa con cũng phải học tập trong cảnh thiếu thốn: Không Internet, không bàn học, không có phương tiện cần thiết.
Trong lúc chuyện trò, bà mẹ nói buông một câu với cậu con Moreno 8 tuổi: “Hay là con tìm chút việc gì đó, biết đâu kiếm được ít tiền ăn vặt cho mình”. Không ngờ Moreno lại hào hứng và nghiêm túc suy nghĩ về câu nói này. Cậu quyết định kinh doanh cây cảnh. Với 12 USD tiền mẹ cho, cậu mua 8 chậu xương rồng, bày ở bàn ngoài đường, và bán được 16 USD. Cậu lại mua thêm cây cảnh và lại bán được nhiều tiền lãi hơn nữa. Cứ thế, số người đến mua cây cảnh ủng hộ ngày càng nhiều, họ cũng đem cho cậu chút đồ ăn vặt, bởi thương cảm hoàn cảnh của cậu bé, nhưng hơn hết là tấm lòng hiếu thảo thông minh của cậu bé Moreno. Từ lúc kinh doanh cây cảnh, trang cá nhân của em lập ra được tới hơn 25.000 lượt theo dõi. Một trang gây quỹ cho gia đình em cũng được lập và thu được gần 40.000 USD. Với tất cả số tiền này, cộng thêm tiền kinh doanh cây cảnh của Moreno, gia đình bốn người của em đã có thể chuyển đến một nơi thuê trọ tiện nghi hơn.
Gương những đứa trẻ hiếu thảo không thiếu, nhưng điều làm tôi cảm động chính là thái độ dễ thương của những người hàng xóm: Họ biết khích lệ những nỗ lực ngay cả khi đó là một đứa bé con. Các người lớn rủ nhau đến mua cây cảnh cho em Moreno có khi chẳng vì họ thực sự cần, nhưng là cổ võ cho ước mơ đẹp và cố gắng nhỏ bé của em. Vui với niềm vui của người khác, tạo cơ hội cho người khác, cho người khác niềm hy vọng vào quyết tâm sống tốt của mình, tất cả đều được chung một cái tên là “Hành vi tử tế”.
Lối sống đẹp, sẵn lòng cổ võ cho cái đẹp là điều kiện cần thiết cho ước muốn tạo ra những điều tích cực.
Sức mạnh của sự tử tế
Một câu chuyện khác mới được đăng trên trang Yahoo vào thứ Hai ngày 14/12/2020 vừa qua. “Cụ ông mua mì bằng tiền giả suốt 7 năm…”, làm người ta tò mò muốn đọc tiếp. Có cảnh sát nào, toà án nào can thiệp? Hay có ai xua đuổi, đánh đập ông, tố giác ông?
Tất cả những giả thiết bình thường ấy đều không là giải pháp trong câu chuyện này. Đây là một cụ già cao tuổi vô gia cư ở tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Chủ quán mì tiết lộ, ông lão đã đến mua mì ở quán anh suốt 7 năm liền, và cho dù anh chuyển quán đi đâu ông cũng tìm thấy. Anh chủ quán kể lại, lần đầu tiên anh nhận được tờ tiền do ông lão tự vẽ, anh giật mình ngạc nhiên, nhưng thật may, anh nhanh chóng làm chủ cảm xúc, để không kêu lên tiếng nào. Rồi anh giả vờ như không biết đây là tiền giả, anh cho tiền vào két cách tự nhiên và múc mì ra tô phục vụ vị thực khách lang thang này.
Ngày nào cũng thế, ông ghé vào ăn mì 3 lần với những tờ tiền giả do mình vẽ, nhưng nếu có tiền thật thì ông cũng không ngại đưa cho chủ tiệm mì. Theo anh chủ tiệm, ông cụ rất dễ thương, và anh luôn bị cảm động khi đứng trước người đàn ông vẽ tiền già nua này.
Có thể ai đó nói rằng: Cho người nghèo mỗi ngày ba bữa cũng chẳng có gì ghê gớm để mà kể, để mà nói!
Đúng thật, để mà nói thì “Ba bữa cơm” chẳng đáng là gì. Nhưng để có sự trân trọng, để giả vờ không nhận ra đó là những tờ tiền giả, để vui vẻ phục vụ ròng rã ngày này sang tháng khác cả khi quá nhiều việc bận rộn… thì quả là không dễ. Tất cả những lối ứng xử này phải nói là thái độ của một con người có con tim đầy yêu thương và có con tim quảng đại. Tắt một lời, đó là sự tử tế.
Sức mạnh của sự tử tế làm cho một người già yếu lang thang, không nơi nương tựa được sống đúng với phẩm giá. Trong tài liệu “Fratelli tutti” số 194, Đức Thánh Cha Phanxico viết: “Chính trị cũng phải dành cho tình yêu ân cần đối với người khác. ‘Ân cần là gì? Đó là tình yêu đẩy ta đến gần và trở thành rất thực. Một chuyển động khởi phát từ con tim chúng ta và đạt tới con mắt, lỗ tai, bàn tay… Ân cần là sự chọn lựa của những con người mạnh nhất và can đảm nhất’ (191). Giữa những bận tâm hàng ngày của đời sống chính trị, ‘những người bé nhỏ nhất, yếu ớt nhất, nghèo nhất phải chạm được trái tim chúng ta: Thật vậy, họ có ‘quyền’ trên trái tim và linh hồn chúng ta. Họ là anh chị em của chúng ta, vì thế, chúng ta phải yêu mến và chăm sóc họ”.
Để phép lạ xảy ra
Trong rất nhiều bạo lực và bất bao dung đang diễn ra khắp chốn, cần lắm những phép lạ trong đời thường, những phép lạ của điều tốt được xảy ra bởi “lối ứng xử tử tế”.
Một trong các yếu tố quan trọng giúp cho phép lạ của sự tử tế xảy ra chính là tinh thần vô vị lợi. Vô vị lợi là khả năng làm việc gì đó chỉ vì tự chúng tốt đẹp, chứ không vì tư lợi, kiếm chác lợi ích cá nhân.
Trong hai câu chuyện ở trên, những hành vi cổ võ cho ước muốn sống đẹp của cậu bé nhỏ; lối cư xử tinh tế, nhẹ nhàng và kiên nhẫn của chủ tiệm bán mì đã bộc lộ rõ ràng tính vô vị lợi. Tinh thần vô vị lợi đã làm cho phép lạ xảy ra, làm cho chúng ta có thể đón tiếp người lạ, cho dù họ chẳng đem lại cho chúng ta một lợi ích cụ thể nào.
Nền tảng của tính vô vị lợi mà chúng ta nói đến chính là mỗi người vào trong thế giới này, đón nhận tất cả từ nhưng không: Hơi thở, lương thực, trang phục… Chẳng ai trong nhân loại chúng ta phải trả giá về những thứ mình đang hưởng nhận. Chính vì thế, cho đi cách nhưng không, cho đi không tính toán cũng là điều phải lẽ. Ông cha ta có câu: “Trâu chết để da, người chết để tiếng”, vẫn biết chẳng có gì để lại sau khi chết ngoài danh dự, thì vẫn còn có một thứ “tiếng” là bản chất của con người là “Tình yêu thương” được sống và được cổ võ.
Thế thì chúng ta còn chần chừ gì mà chẳng để cho những “Phép lạ của sự tử tế” được thường xuyên có mặt trong ngày sống?
Tác giả: Hương Linh
Nguồn: sdb.vn