Có một nhóm bạn học nay đã thành đạt rủ nhau về thăm thầy cũ.
Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời các vị khách của mình.
Ông đem ra nhiều cái ly khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái thủy tinh, cái thì bằng pha lê, một vài cái trông rất đơn sơ, vài cái lại đắt tiền, vài cái khác lại được chế tác cực kỳ tinh xảo. Người thầy bảo học trò hãy tự chọn ly và rót cà phê cho mình.
Sau khi mỗi người đều đã có một ly cà phê, người thầy nói:
– Mỗi người hãy uống cà phê trong ly của mình, sau đó hãy đổi ly cho nhau và uống cà phê trong ly của bạn, rồi cho thấy biết hương vị trong các ly như thế nào.
Nhóm học trò làm theo lời thầy, sau đó đều trả lời rằng hương vị cà phê đều như nhau.
Lúc này, người thầy đáng kính mới bắt đầu từ tốn:
– Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: ai cũng chọn những chiếc ly đẹp, đắt tiền; chẳng ai thèm màng đến những chiếc ly nhựa giá rẻ, hay ly không đẹp mắt. Có lẽ các em sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn cơn của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.
Các em à, những chiếc ly kia đâu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Tất cả những gì các em cần là cà phê chứ không phải là ly. Thế mà thường thì các em chỉ chăm chăm lo kiếm những chiếc ly tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem ly của họ có đẹp hơn tách của mình không.
Bạn thân mến!
Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc ly. Và những “chiếc ly” này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi do cứ mãi để ý vào những “chiếc ly hư danh” mà chúng ta bỏ lỡ việc hưởng thụ cuộc sống.
Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải cái ly. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.
Những bất hòa cá nhân, trong gia đình, ngoài xã hội… thường đến từ não trạng hơn thua, lo mình thiệt thòi kém cỏi hơn người khác, mong “được nhận” nhiều hơn là “cho đi”; chỉ thấy cái hay dở của người để rồi không thấy cái của mình. Tệ hơn nữa sẽ biến chúng ta thành tự cao tự đại hay tự ti mặc cảm.
Hãy bớt đặt nặng những giá trị bề ngoài của “cái ly “, khi không sợ mất, sợ tầm thường thì còn tính gì đến “hơn kém”.
Hãy vui mà đón nhận mọi thử thách, ân huệ và tình yêu của Thiên Chúa rót vào “ly cuộc sống” của mình, một cái ly khác với mọi người và chỉ của riêng mình thôi.
(sưu tầm)