NGẮM THỨ NHẤT
“Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 44)
Cơn kinh hãi buồn sầu làm cho Chúa Giê-su xao xuyến đến tận tâm can: một số mạch máu vỡ ra và theo các lỗ chân lông ra ngoài, nhỏ xuống đất. Toàn thể hồn xác của Chúa đều đi tới tận cùng trong lời cầu nguyện. Chúa đã cầu nguyện hết mình hết sức không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách toàn thể loài người, mà Người đã luôn kết thành thân thể nhiệm mầu. Những người tội lỗi từ chối Chúa, thù ghét Chúa, không muốn hay không thể hướng về Chúa, tất cả không trừ ai, đều được Chúa Giê-su đón nhận đưa vào trong lời cầu khẩn thiết của Ngài.
Lời cầu khẩn thiết của Chúa tại vườn Cây Dầu, vẫn còn tiếp tục qua các thời đại và ở mọi nơi. Những giọt máu nơi thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, vẫn tiếp tục chảy ra, nơi các Ki-tô hữu bị bách hại dưới nhiều hình thức ở khắp nơi.
Bạn được mời gọi cùng với Chúa Giê-su khẩn thiết cầu nguyện, nhất là trong đau khổ thử thách, để liên kết với rất nhiều người đang đau khổ, những người bị ung thư cũng như AIDS trong giai đoạn cuối, những người hấp hối, và còn nữa …
NGẮM THỨ HAI
Trận đòn khủng khiếp đã biến thân thể Chúa thành một vết thương đẫm máu, không còn chỗ nào lành lặn. Toàn thân Chúa chịu đau đớn nhức nhối tận trong xương tủy. Và ngày nay trận đòn của Chúa vẫn đang tiếp diễn trong thân thể nhân loại mà Chúa đã đảm nhận. Biết bao phụ nữ và trẻ em đang bị hành hạ, bỏ đói và vắt kiệt sức trong các nhà chứa, các cơ sở cưỡng bức lao động. Nhiều tù nhân trong các trại giam bị tra tấn dã man cho đến chết, và nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục bị bạo hành trong gia đình. Và còn nhiều nữa …
Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, xin nâng đỡ và giải thoát rất nhiều người đang chịu đau đớn bất công. Xin cho tất cả những người khốn khổ đó, được phúc thông phần vào cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa, mà hưởng dồi dào ơn cứu độ cho mình và cho muôn người.
NGẮM THỨ BA
“Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da” (Ga 19, 15)
Bằng mọi giá phải đóng đinh Chúa Giê-su, các thượng tế đã công khai xác nhận chủ quyền tối cao của hoàng đế Rô-ma trên dân Ít-ra-en. Các thượng tế là đại diện chính thức cho đạo Do Thái, đã công khai chối bỏ chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, để nhận quyền của Xê-da. Đây là tội nặng nhất trong Do Thái giáo: tội thờ ngẫu tượng, phạm đến “điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 38). Không còn sỉ nhục nào đối với Chúa Giê-su lớn hơn nữa! Không còn chối bỏ nào về vương quyền Chúa mạnh mẽ và dứt khoát hơn!
Ngày nay nhiều Ki-tô hữu kiếm tiền bằng mọi giá, chạy theo cuộc sống thác loạn buông thả, say sưa nghiện ngập ngày này qua ngày khác, là những người chối bỏ chủ quyền của Chúa trên thân xác, trên cuộc sống. Đó không phải là công khai sỉ nhục Chúa sao? Bạn hãy nhận Chúa Ki-tô làm Chủ tuyệt đối và hết lòng sống cho Người (x. Cl 3, 24). Hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và phục vụ Chúa mà thôi. Bởi vì “chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3, 11).
NGẮM THỨ BỐN
“Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ” (Ga 19, 17)
Thập giá là hình khổ đê tiện và nhục nhã nhất, đã được Chúa Giê-su chọn làm biểu tượng cho tình yêu đến cùng của Người. Đàng khác theo luật thời đó, tử tội bị kết án đóng đinh vào thập giá, phải tự mình vác lấy thập giá đến nơi hành quyết. Như vậy vác thập giá có nghĩa là sẽ phải đóng đinh vào thập giá. Chúa Giê-su không chỉ chọn thập giá cho mình mà còn cho mọi môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Như vậy không vác thập giá không thể làm môn đệ được. Thập giá làm nên thực chất của người môn đệ.
Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, xin cho con biết can đảm và trung thành đi theo Chúa đến cùng. Xin giúp con từ bỏ mình mà vác thập giá đi theo Chúa hằng ngày. Lúc nào và ở đâu con cũng là môn đệ của Chúa, và như vậy thì con phải bỏ mình vác thập giá thường xuyên liên tục. Điều này thật khó khăn cho con. Nhưng con tin rằng cùng với Chúa con bỏ mình vác thập giá thì có thể được. Xin nâng đỡ con.
NGẮM THỨ NĂM
“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30)
Cái chết của Chúa Giê-su đã chấm dứt một thời kỳ và mở ra thời kỳ mới: thời kỳ Thần Khí. Bóng tối đã bị đẩy lui và ánh sáng tràn ngập địa cầu. Tội lỗi đã được tẩy xóa và ân sủng đầy tràn chan chứa. Cái chết đã bị tiêu diệt và sự sống hiển trị. Tất cả những gì cũ kỹ nơi con người và vạn vật, đều được đổi mới hoàn toàn từ bên trong. Thần Khí Thiên Chúa đổi mới mặt địa cầu. Cái chết của Chúa Giê-su là cái chết hồng phúc đem lại hy vọng, bình an, niềm vui và sự sống vĩnh cữu, vì Thần Khí Thiên Chúa đã được trao ban cho loài người và vạn vật hoàn vũ.
Thần Khí Thiên Chúa có đó, nhưng con người phải tự nguyện và ý thức mở lòng ra đón nhận. Con người phải tự nguyện cùng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô để nhận được vinh quang Thần Khí. Họ phải tự nguyện cùng chết với Chúa Ki-tô để có sự sống mới là Thần Khí. Sự sống phát sinh từ cái chết và Thần Khí chỉ ngự trị nơi những ai đã tiêu diệt được xác thịt. Bạn cần làm gì?
(Trích từ sách “Hướng dẫn cách lần hạt Mân Côi” – Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng – NXB Tôn Giáo năm 2015)